Trước mắt, 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post sẽ tập trung xúc tiến tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò những loại nông sản, trái cây mùa vụ có sản lượng lớn như: nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, na Tây Ninh, khoai lang tím Vĩnh Long…
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản mùa vụ qua sàn TMĐT
Tại cuộc làm việc trực tuyến với 19 Sở TT&TT các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đặt kỳ vọng vào nỗ lực của 2 doanh nghiệp bưu chính lớn trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng như hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ các vùng có dịch như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thanh Thủy, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của Đồng Tháp đang vào vụ như khoai lang, nhãn, mít. Chỉ tính riêng nhãn, sản lượng vụ này khoảng 53.000 tấn/năm. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Các tỉnh phía Nam là một trong những “vựa nông sản” lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, việc 19 địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến cho khâu tiêu thụ các loại nông sản, trái cây miền Nam có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn, cần nhanh chóng tháo gỡ.
Tiêu biểu như, sản lượng quả thanh long bình quân mỗi tháng cung ứng khoảng 48.000 tấn; chuối 41.000 tấn/tháng; sầu riêng 25.000 tấn/tháng; nhãn 20.000 tấn/tháng; và rau củ các loại khoảng 560 – 600 tấn/tháng.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên các sàn Postmart và Vỏ Sò.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 78, từ ngày 21/7 Bộ TT&TT đã chỉ đạo Vietnam Post và Viettel Post triển khai 2 kế hoạch: “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội” và “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.
Mục tiêu là đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương đang giãn cách xã hội, đồng thời hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp (gồm hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác) kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các sàn TMĐT đến tay người tiêu dùng. Hỗ trợ các tỉnh thành cả nước trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp sẽ kinh doanh trên nền tảng số
Từ thực tế hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản cho các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Hải Dương, Bắc Giang…, có thể thấy đa số các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn làm theo cách truyền thống, ít tiếp cận với các ứng dụng thông minh, vì thế phải đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn đầu ra, nhất là trong điều kiện dịch bệnh.
Dưới sự điều phối của Bộ TT&TT, 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post đã lên kế hoạch cụ thể và sẽ tích cực hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp ở miền Nam tiêu thụ nông sản trên sàn Postmart và Vỏ Sò.
“Những bài học kinh nghiệm đúc rút được từ thực tế hỗ trợ người dân Hải Dương, Bắc Giang tiêu thụ hàng ngàn tấn vải thiều đã giúp chúng tôi có thể nhanh chóng lên kế hoạch kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ những mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương khu vực miền Nam trên 2 sàn Postmart và Vỏ Sò bằng quy trình vận hành hợp lý và hiệu quả”, đại diện 2 doanh nghiệp cho hay.
Để hiện thực hóa mục tiêu hết năm 2021 đưa khoảng 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn Postmart và Vỏ Sò, 2 đơn vị sẽ tiếp tục hướng dẫn và đào tạo người dân tiếp cận với loại hình kinh doanh TMĐT, thông qua quy trình đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn.
Trước mắt, giải bài toán tiêu thụ nông sản miền Nam, 2 doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương để đảm bảo luồng lưu thông ổn định, tìm đầu ra cho những nông sản có sản lượng lớn như: nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, khoai lang tím Vĩnh Long, na Tây Ninh…
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu của Vietnam Post khẳng định: Các mặt hàng đưa lên sàn Postmart đều là đặc sản nổi tiếng hoặc là sản phẩm đạt chất lượng cao từ các hộ sản xuất nông nghiệp uy tín do đơn vị trực tiếp tìm kiếm, khảo sát và lựa chọn.
Qua sàn TMĐT, nông sản của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng đối tượng người tiêu dùng mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, khẳng định được chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm.
Hai doanh nghiệp linh hoạt trong việc chọn hình thức hướng dẫn nông dân lên kinh doanh trên sàn.
Postmart và Vỏ Sò cũng linh hoạt chọn các hình thức hướng dẫn, đào tạo nông dân lên sàn như: livestream, họp nhóm, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video… Nhờ đó, dù trong điều kiện dịch bệnh, các hộ nông dân vẫn có thể tự tạo gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn.
Đặc thù của các mặt hàng rau củ, trái cây là thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, khó bảo quản. Do vậy, 2 đơn vị đã lên phương án đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhằm đảm bảo độ tươi, ngon của sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các kịch bản vận chuyển cho từng khu vực trên cả nước đã được lên kế hoạch cụ thể, sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào.
Bên cạnh phương thức trực tuyến qua các sàn, Vietnam Post và Viettel Post còn đẩy mạnh tiêu thụ theo phương thức truyền thống: phân phối và bán nông sản tại các bưu cục, điểm bán hàng bình ổn giá.
“Trường hợp luồng vận tải tiếp tục siết chặt hơn để đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc sản tại chính địa phương. Hình thức “đi chợ hộ” bằng cách bán sản phẩm theo combo tại các điểm bán hàng trực tiếp và trên sàn Vỏ Sò sẽ tiếp tục được áp dụng”, đại diện Viettel Post chia sẻ thêm.
Nguồn: ICTNews – Vân Anh