Ngày 23/8, Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) phối hợp tổ chức Hội thảo “Hành trình chuyển đổi số – Đột phá từ doanh nghiệp nhỏ đến thành công lớn”, nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại số.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Ngày hội xúc tiến giao thương – Cánh cửa kết nối thị trường Hàn – Việt” (Mega US Expo 2024) diễn ra từ 23-25/8 tại Trung tâm Hội nghị White Place, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Hình 1: Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter
Phát biểu khai mạc, ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi số đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn tạo ra những cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường. Mỗi tổ chức và cả quốc gia vì vậy cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, các lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, hoà cùng xu thế của thế giới, AI (trí tuệ nhân tạo) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các tổ chức và cá nhân trong các hoạt động. Chẳng hạn, AI giúp tự động hóa các quy trình kinh doanh, từ đó giảm thiểu sai sót và tăng hiệu suất làm việc bằng các chatbot AI hỗ trợ khách hàng 24/7, giải quyết các vấn đề cơ bản mà không cần sự can thiệp của con người; AI có khả năng xử lý và phân tích lượng dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và chính xác; AI có thể học từ hành vi và sở thích của người dùng để cung cấp các đề xuất và dịch vụ cá nhân hóa; AI mở ra cơ hội cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, từ xe tự lái đến các ứng dụng y tế thông minh. Những lợi ích này không chỉ tạo ra giá trị mới mà còn thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.
Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: “Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh” mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đang được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và tiếp cận các xu hướng, giải pháp công nghệ mới nhằm ứng dụng vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng 90% các công ty tham gia khảo sát đến từ các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trung bình đều ở mức Nâng cao (với điểm số trên 3.0).
Hình 2: Ông Phí Anh Tuấn – Trưởng ban chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số DXCenter
Nói đến tình trạng mong muốn chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), theo ông Phí Anh Tuấn – Trưởng ban chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số DXCenter là họ đang phải dò dẫm chuyển đổi số. Bởi trên thị trường hiện nay có quá nhiều công nghệ và giải pháp mới từ các nhà cung cấp trong nước và quốc tế, đội ngũ các nhà tư vấn cũng khá đông đảo. Vì vậy doanh nghiệp không đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp cũng như chưa tiên liệu được khả năng mở rộng trong tương lai, mà nếu lựa chọn không phù hợp sẽ dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc.
Từ đó, ông Tuấn cho biết, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn được giải pháp phù hợp và giải pháp đó phải mang đến trải nghiệm người dùng tốt, đồng thời đáp ứng việc triển khai và khai thác hiệu quả, ngân sách phù hợp, chi phí vận hành thấp, sẵn sàng kết nối với các nền tảng, hệ sinh thái khác, cũng như sẵn sàng mở rộng và đặc biệt công nghệ không lạc hậu ít nhất là trong 3 năm tới. Mặc dù là doanh nghiệp SME nhưng trong hành trình chuyển đổi số cần nhìn xa một chút, linh hoạt mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp và có hướng mở để hình thành hệ sinh thái số. Khi nói đến dữ liệu là nói đến nền tảng chứ không đơn giản chỉ là một ứng dụng, khi đó dữ liệu mới trở thành tài sản số được. Một nền tảng chuyển đổi số tốt dành cho doanh nghiệp SME phải có khả năng tích hợp cao và có thể chia sẻ tài nguyên số của mình với các đối tác.
Hình 3: Bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam
Do đó các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cần phải cung cấp được nền tảng đáp ứng không chỉ chuyên môn nghiệp vụ đa dạng phức tạp, tính tiện dụng và khả năng tùy biến cao, mà còn phải đảm bảo hiệu năng cũng như tính bảo mật để phù hợp với xu thế của thế giới internet toàn cầu – bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam lưu ý thêm. Tuy vậy, các SME đang đối diện với nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Khó khăn chính bao gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu và thiếu hụt nhân lực kỹ thuật. Những thách thức này đang khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp SME tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với tiềm năng, và cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các cơ quan liên quan để thúc đẩy sự thay đổi này.
Hình 4: Bà Nguyễn Lê Trang Ly – Giám đốc Trung tâm phát triển Kinh doanh của IDTEK
Chia sẻ về kinh nghiệm và các bài học triển khai chuyển đổi số thành công, bà Nguyễn Lê Trang Ly – Giám đốc Trung tâm phát triển Kinh doanh của IDTEK cho rằng, việc thay đổi thói quen sử dụng mà không làm mất đi cảm giác quen thuộc là điều quan trọng trong mỗi phần mềm. Đặc biệt, cá nhân hóa nhưng vẫn đảm bảo quy trình làm việc của công ty là yếu tố không thể thiếu. Một mạng xã hội nội bộ, một không gian làm việc số tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ tiện lợi cho việc trao đổi thông tin, giao việc đúng người, làm đúng việc. Tất cả thông tin đều được truyền tải một cách nhất quán, giảm thiểu việc phải sử dụng quá nhiều kênh chat nhóm hay chat theo dự án. Điều này không chỉ giúp việc lưu trữ dễ dàng hơn mà còn hỗ trợ tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng khi cần.
Hình 5: Ông Hoàng Văn Tam – Giám đốc công ty DigiTech Solutions
Mặt khác, một số doanh nghiệp SME chưa có chiến lược cụ thể cho quá trình chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai các công nghệ không đồng bộ và kém hiệu quả. Việc không xác định được lộ trình chuyển đổi số phù hợp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ một cách tối ưu. Ông Hoàng Văn Tam – Giám đốc công ty DigiTech Solutions đề xuất thêm, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ Trí tuệ nhân tạo các doanh nghiệp SME lại đứng trước cơ hội và thách thức mới. Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng nguồn lực, thay vì làm Chuyển đổi số tổng thể, thì có thể chuyển Chiến lược sang ứng dụng AI vào từng Quy trình kinh doanh của mình từ đơn giản như ChatbotAI để CSKH, Chấm công,…đến các quy trình phức tạp như phân tích dữ liệu hoạt động để đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp.
Tính đến năm 2023, khoảng 47% doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau và 98% doanh nghiệp kỳ vọng rằng chuyển đổi số sẽ mang lại những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của CĐS cũng như chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình, cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này.
https://tgs.vn/chuyen-doi-so/doanh-nghiep-sme-chuyen-doi-so-can-nghi-den-nen-tang-co-kha-nang-tich-hop-cao-va-chia-se-tai-nguyen-so/