Dù biết chuyển đổi xanh là vấn đề cấp bách song nhiều doanh nghiệp vẫn mơ hồ, áp lực khi còn phải chật vật xoay xở để sống sót trên thị trường.
Chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là một thách thức không nhỏ cho ngành dệt may – Ảnh: TỰ TRUNG
Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của Việt Nam.
Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu Việt Nam Net to zero carbon năm 2050. Dù vậy, khi nhắc tới chuyển đổi xanh, nhiều doanh nghiệp vẫn mơ hồ về lộ trình, giải pháp, lo lắng về chi phí.
Mệt mỏi vì “số chưa xong, xanh đã tới”
Hội thảo “Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh” do Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) tổ chức, với mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất xanh, hướng tới phát triển bền vững, vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Quách Ngọc Long – giám đốc Công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số Workit – cho hay nhiều khách hàng tìm đến ông than thở: “Số chưa xong, xanh đã tới”.
“Nhiều đối tác của tôi chia sẻ dù biết chuyển đổi số, xanh là cấp bách nhưng kinh tế khó khăn, áp lực sống sót trên thị trường đè nặng. Họ lo lắng muốn chuyển đổi xanh cần lộ trình, giải pháp cũng như chi phí không nhỏ”, ông Long nói.
Còn ông Phạm Trọng Quý Châu – trưởng Ban chuyển đổi số và năng lượng khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM – nói: “Thường xuyên tham gia các chương trình về phát triển xanh, tuy nhiên vì hạn chế về thời lượng, hội thảo thường chỉ dừng lại ở bước nâng cao nhận thức, chưa đưa ra được các gói giải pháp cụ thể”.
Ông Châu kỳ vọng sau các chương trình, ban tổ chức, các hiệp hội sẽ có thêm những chương trình tập huấn, đào tạo đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, giải pháp xanh cụ thể ví như xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho khu công nghiệp, hệ thống xử lý lò đốt sao hiệu quả…
Phải chuyển đổi kép “xanh và số” nếu không muốn bị đào thải
Trả lời thắc mắc về vấn đề chi phí, ông Lê Minh Trung – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thành phố (CSED) – cho hay hiện tại nhiều doanh nghiệp công nghệ cho thuê dịch vụ chứ không bán nguyên gói nên chi phí chuyển đổi không quá cao.
Bên cạnh đó, Hội Tin học cũng đang phối hợp các bên lên kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo, chương trình phù hợp với nhu cầu của các nhà sản xuất, khu công nghiệp thời gian sắp tới.
Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh doanh nghiệp không nên tách bạch số và xanh. Chuyển đổi số sẽ vừa giúp doanh nghiệp tăng năng suất vừa thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng – viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường TP.HCM – cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi kép xanh và số đều quan trọng, cần thực hiện song hành.
“Trong xanh có số, chuyển đổi số mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất, tối ưu hóa tài nguyên. Chuyển đổi số là nền tảng ứng dụng, chìa khóa để phát triển xanh”, bà Phượng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Hoài Trung – trưởng ban vận động Net to zero 2050 – đề xuất lộ trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững trong vòng 3 năm để các doanh nghiệp tham khảo.
Cụ thể, theo ông Trung, năm thứ nhất, doanh nghiệp cần nắm được những khái niệm cơ bản về phát triển bền vững, từ đó đánh giá tổng quát đơn vị đã và chưa làm được gì. Sau khi hiểu mình, doanh nghiệp cần làm nhật ký phát triển bền vững để ghi chép lại quá trình hoạt động.
Bắt đầu từ năm thứ hai, doanh nghiệp cần chọn ra những tiêu chuẩn “đinh” theo đuổi, ví như doanh nghiệp ngành thực phẩm nên làm theo tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hành kiểm kê khí nhà kính và lập báo cáo phát triển bền vững.
Năm thứ ba, doanh nghiệp cần đặt ra chiến lược phát triển bền vững xa hơn ở trung và dài hạn. Ngoài ra, cần lập dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu chân carbon cho sản phẩm, quá trình sản xuất.
https://tuoitre.vn/chuyen-doi-xanh-nhieu-doanh-nghiep-mo-ho-khong-biet-lay-dau-ra-tien-20240327184800352.htm