Chương trình hành động của Chính phủ xác định 35 chỉ tiêu đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết 57, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành ba trụ cột phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Được kỳ vọng là động lực tăng trưởng để bước vào kỷ nguyên mới, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để cụ thể hoá Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm danh mục 35 chỉ tiêu từ nay đến 2030 với những chỉ số cụ thể để “định lượng” kết quả thực hiện từng giai đoạn. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò là cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá với 27 trên tổng số 35 chỉ tiêu.
Việt Nam trên đường đua Kỷ nguyên số: Nghiên cứu và phát triển khoa học (Bài 1)
Kinh tế số
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kinh tế số gồm ngành công nghiệp ICT, viễn thông, bán hàng dựa trên các nền tảng ICT (thương mại điện tử), bán dịch vụ dựa trên các nền tảng ICT (kinh doanh số) như đặt phương tiện giao thông, nhà hàng, khách sạn… Nghị quyết 57 đặt mục tiêu năm 2030 quy mô kinh tế số sẽ chiếm hơn 30% GDP và tăng lên 50% vào năm 2045.
Song song với phát triển kinh tế số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”. Yêu cầu là làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Chính phủ số
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia và các ngành. Trong đó, cụ thể hoá chỉ tiêu về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ trên môi trường điện tử.
Chính phủ số là quá trình ứng dụng công nghệ số toàn diện vào hoạt động của chính quyền các cấp, với mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Xã hội số
Sự phát triển của Chính phủ số và kinh tế số sẽ xây dựng nên xã hội số. Đến năm 2030, đa số người dân Việt Nam sẽ trở thành công dân số – những người sử dụng các công nghệ số và nền tảng số để tương tác với Chính phủ, doanh nghiệp và những công dân khác. Sự phát triển của xã hội số đòi hỏi sự đầu tư liên tục vào hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số, nâng cao kỹ năng số cho người dân và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Dữ liệu: Đăng Nguyên – Lưu Quý
Đồ họa: Khánh Hoàng – Hoàng Chương – Thanh Hạ
https://vnexpress.net/duong-dua-ky-nguyen-so-4862593.html