Chương trình hành động của Chính phủ xác định 35 chỉ tiêu đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết 57, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành ba trụ cột phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Được kỳ vọng là động lực tăng trưởng để bước vào kỷ nguyên mới, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để cụ thể hoá Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm danh mục 35 chỉ tiêu từ nay đến 2030 với những chỉ số cụ thể để “định lượng” kết quả thực hiện từng giai đoạn. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò là cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá với 27 trên tổng số 35 chỉ tiêu.
Vị thế Việt Nam
Để nâng cao vị thế Việt Nam trên “đường đua” kỷ nguyên số, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, top 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Cùng với đó, Việt Nam kỳ vọng xếp hạng top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Vị thế này được đo lường qua bảng xếp hạng toàn cầu, gồm: Năng lực cạnh tranh số; Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Xếp hạng về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo…
Nghiên cứu và phát triển khoa học
Nghị quyết 57 nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Việt Nam sẽ ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho nhiệm vụ này.
Mục tiêu là phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới. Ngành khoa học được khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực.
Nghị quyết còn xác định cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, nguồn vốn từ xã hội sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu khoa học.
Bài 2: Việt Nam trên đường đua kỷ nguyên số – Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số
Dữ liệu: Đăng Nguyên – Lưu Quý
Đồ họa: Khánh Hoàng – Hoàng Chương – Thanh Hạ
https://vnexpress.net/duong-dua-ky-nguyen-so-4862593.html