Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP… Trong mục tiêu này, TPHCM đang từng bước phát triển nền kinh tế số vững chắc gắn liền với các hoạt động chuyển đổi số hiện nay.
“May đo” các nền tảng số
Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số TPHCM (DXCenter), thuộc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung là một trong những đơn vị cung cấp các giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hoạch định, triển khai chiến lược chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
DXCenter vừa tổ chức khóa huấn luyện “Ứng dụng công nghệ số trong môi trường kinh doanh” cho 30 học viên từ các doanh nghiệp ở TPHCM, sau chuyên đề “Ứng dụng AI trong kinh doanh” dành cho lãnh đạo, nhân sự quản lý của các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận các mô hình quản lý hiện đại và công cụ thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại TPHCM, nhiều hộ buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ đã ứng dụng công nghệ vào quản lý. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vào tháng 10-2024, Hội Doanh nghiệp quận 12 cùng DXCenter cũng tổ chức khóa huấn luyện “Chuyển đổi mô hình – Xây dựng, quản lý, vận hành doanh nghiệp trong môi trường số”.
Theo ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter, đơn vị có đầy đủ các mô hình hỗ trợ chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế cho nhiều đơn vị, loại hình doanh nghiệp… thậm chí các mô hình hỗ trợ chuyển đổi số còn được phát triển theo đơn đặt hàng hoặc “may đo” riêng cho phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Đồng Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 12, chia sẻ: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, cải thiện khả năng cạnh tranh và nhanh chóng thích ứng với những biến đổi của thị trường trong thời đại mới”.
Sở TT-TT và Sở Công thương TPHCM cũng có nhiều hoạt động phối hợp để thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, thành phố có trên 71% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số, trên 80,2% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử…
Khai thác thế mạnh thương mại điện tử
Theo báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á 2024 do Google, Temasek (một công ty đầu tư, trụ sở tại Singapore) và tổ chức tư vấn toàn cầu Bain&Company vừa công bố, kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng 2 con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ 2023 với tổng trị giá hàng hóa chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam. Du lịch trực tuyến của Việt Nam chứng kiến tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD năm 2024… nên thành phố nên tiếp tục khai thác thế mạnh của thương mại điện tử, du lịch trực tuyến.
“Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn nhờ các yếu tố nội tại vững chắc như dân số trẻ, am hiểu công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Temasek cam kết triển khai vốn xúc tác cho nền kinh tế số của Việt Nam để đạt được tăng trưởng bền vững, nhằm đảm bảo sự thịnh vượng cho mọi thế hệ”, ông Fock Wai Hoong, Trưởng ban Đông Nam Á của Temasek, nhận định.
TPHCM đang đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền số, hướng đến cơ bản đưa hoạt động hành chính của thành phố lên nền tảng số vào năm 2025; tiếp tục kiên trì xây dựng dữ liệu số làm nền tảng để chuyển đổi số thành công và phát triển kinh tế số; thúc đẩy chuyển đổi số gắn với mục tiêu phát triển kinh tế số trong các ngành chủ lực của thành phố; thúc đẩy thương mại điện tử, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số tại TPHCM…
Thành phố cũng xác định 8 ngành lĩnh vực để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, góp phần phát triển kinh tế số, đồng thời tổ chức xây dựng dữ liệu số của các ngành, doanh nghiệp và người dân thành phố trong nhiều năm qua để phát triển kinh tế số.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, chương trình chuyển đổi số của thành phố xác định mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ trở thành một trong 5 địa phương đứng đầu về chính phủ số, kinh tế số chiếm 25% GRDP. Tiếp đó, đến năm 2030, sẽ tiếp tục hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu phục vụ cho việc phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy sự phát triển 3 trụ cột chuyển đổi số địa phương gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo số liệu của Bộ TT-TT, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TPHCM năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Nếu tính theo phương pháp này, dự kiến thành phố đạt chỉ tiêu đặt ra là kinh tế số đạt 25% vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ vào GRDP của thành phố, chiếm tỷ trọng 14%. TPHCM hiện là một thị trường thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng 37%.
BÁ TÂN
https://www.sggp.org.vn/tang-toc-kinh-te-so-gan-voi-chuyen-doi-so-post768182.html?