Sở Y tế TPHCM vừa ban hành “Khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh”.
Theo đó, có 15 nội dung “Khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh”.
Đó là phổ biến và quán triệt đến từng viên chức và người lao động trong bệnh viện để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của bệnh viện nhằm hướng đến mục tiêu. Chuyển đổi số phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng công nghệ thông tin, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin được học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên công nghệ thông tin với sự tham gia của các nhân viên thuộc các khoa, phòng trong toàn bệnh viện.
Cùng với ưu tiên phân bổ nguồn lực để củng cố và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện là củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) của bệnh viện (chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, điều kiện về môi trường…).
Bên cạnh đó là nội dung ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện và các phần mềm mới đối với các vấn đề phổ biến, đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa phòng, qua nhiều bước, tiêu tốn nhiều giấy tờ, công sức và thời gian. Tương ứng với mỗi phần mềm, lãnh đạo bệnh viện cần thành lập tổ công tác chuyên trách để triển khai phần mềm đó.
Triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng không thể thiếu đối với hoạt động của một bệnh viện (HIS, LIS, RIS/PACs, EMR,….), phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 tại Phụ lục II của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện. Đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai các phần mềm ứng dụng của bệnh viện theo quy định.
Một trong những nội dung khác là xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh, bao gồm: đăng ký khám bệnh từ xa qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn,…; cung cấp thông tin cho người bệnh qua thư điện tử, tin nhắn,…; có thể tra cứu thông tin y tế trực tuyến, thông tin chi tiết về các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn từ xa; nhắc người bệnh tái khám, dùng thuốc, tiêm chủng lần tiếp theo, thanh toán không dùng tiền mặt…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nhằm hạn chế sai sót bằng các phần mềm ứng dụng. Triển khai hiệu quả “Văn phòng số” thay thế cho các thủ tục hành chính nội bộ của bệnh viện. Tích hợp chữ ký điện tử hoặc chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng của bệnh viện, đồng thời phải ban hành quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số theo đúng quy định (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số).
Khuyến cáo cũng nêu rõ việc triển khai bệnh án điện tử (Electronic Medical Record – EMR) phải trên cơ sở đã hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS) và trục dữ liệu thông tin tích hợp của bệnh viện, cùng với hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ bệnh án điện tử (Clinical Data Repository – CDR), và các hệ thống thông tin hỗ trợ chuyên môn khác (như LIS, RIS/PACs, …). Vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện. Khuyến khích các đơn vị tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện chuyển đổi số, nhất là các hoạt động hướng đến làm hài lòng người bệnh.
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/15-noi-dung-khuyen-cao-day-manh-hoat-dong-chuyen-doi-so-huong-den-xay-dung-benh-vien-thong-minh-1491906899