Ứng phó với COVID-19 mang tới động lực cho nhiều phát kiến, nhất là trí tuệ nhân tạo, xuất hiện trong lĩnh vực y khoa.
Một trong số phát kiến trong lĩnh vực y khoa là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) vào việc chẩn đoán sớm dấu hiệu của nguy cơ truyền nhiễm.Ảnh: pewtrusts.org.
Một trong số phát kiến trong lĩnh vực y khoa là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) vào việc chẩn đoán sớm dấu hiệu của nguy cơ truyền nhiễm, góp phần cải thiệu hiệu quả chống dịch và giảm áp lực cho con người. Hãng công nghệ BKAV, chẳng hạn, cho biết đang nghiên cứu thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua nước muối sinh lý chỉ mất 10 giây để có kết quả.
Những người cần lấy mẫu xét nghiệm súc miệng, sau đó cho vào ống nghiệm, bấm nút để phân tích bằng A.I. Thiết bị dùng một dải tần số ánh sáng chiếu vào ống nghiệm chứa nước muối súc miệng, sau đó thu bằng cảm biến đầu ra. Dựa trên các tần số bị hấp thụ ở mức độ nhiều hay ít, A.I sẽ đưa ra kết quả có nguy cơ dương tính với COVID-19 hay không.
Sản phẩm hiện đang thử nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với kết quả ban đầu khá khả quan. Tuy vẫn còn 10% sai số nhưng thiết bị này có tiềm năng ứng dụng rất lớn nhờ tốc độ sàng lọc nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm hơn.
Câu chuyện tương tự diễn ra ở Singapore. Chính quyền nước này mới đây triển khai áp dụng thiết bị phát hiện virus COVID-19 qua hơi thở với kết quả chính xác trong vòng một phút tại sân bay. Công nghệ này hoạt động giống như một bài kiểm tra nồng độ cồn mà cảnh sát giao thông hay dùng.
Có thể còn một số hạn chế về tỉ lệ sai số, nhưng tiềm năng ứng dụng A.I trong y khoa trong tương lai là vô cùng lớn. Ảnh: euronews.com.
Có thể còn một số hạn chế về tỉ lệ sai số, nhưng tiềm năng ứng dụng A.I trong y khoa trong tương lai là vô cùng lớn, thậm chí có thể so sánh với một cuộc cách mạng mới. Đại dịch COVID-19 thực tế bộc lộ những cạm bẫy của quy trình NCE (thực thể hóa học mới) truyền thống, vốn cần nhiều năm, tốn kém nhiều tiền và có tỉ lệ thất bại lớn.
Bị thúc ép bởi nhu cầu tìm kiếm các phương pháp điều trị và vaccine nhanh chóng, nhiều hãng dược phẩm và công nghệ sinh học đã sẵn sàng khám phá cách mà A.I có thể tăng tốc độ phát triển và giảm thiểu rủi co cho các loại thuốc, vaccine chống Corona. “Chúng tôi sử dụng công nghệ A.I để thiết kế các phân tử tốt nhất có khả năng pháttriển hoàn hảo cho sự phát triển lâm sàng”, Andrew Hopkins, Giám đốc Điều hành Exscientia, nhận định. Startup của Anh này vừa huy động được 435 triệu euro vòng Series D để tài trợ một nỗ lực ứng dụng A.I vào quy trình phát triển dược phẩm.
Google gần đây tích cực hơn trong lĩnh vực A.I y tế. Hãng đang xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu lâm sàng thông qua ứng dụng Google Health Studies dành cho Android và đang phát triển sản phẩm thông qua công ty con về khoa học đời sống là Verily Life Sciences. Thông qua các sản phẩm này, Google có thể cung cấp các luồng dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân cho những nhà nghiên cứu y tế.
Cho đến nay, các tập đoàn dược phẩm như Novartis, Sanofi, Otsuka và Pfizer đã hợp tác với Verily Life Sciences trong nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng hiệu quả. Sáng kiến này còn thu hút các trường đại học như Stanford Medicine, Duke University School of Medicine và Hiệp hội Tim mạch Mỹ tham gia.
Thị trường A.I cho y tế đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Ở Mỹ, hãng nghiên cứu Accenture ước tính 10 ứng dụng A.I hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể giúp ngành chăm sóc sức khỏe Mỹ tiết kiệm 150 tỉ USD mỗi năm vào năm 2026. Bản thân thị trường chăm sóc sức khỏe ứng dụng A.I được dự đoán trị giá 6,6 tỉ USD vào năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 40% tính từ năm 2014.
Tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, hiện A.I được ứng dụng ở 4 lĩnh vực: chẩn đoán bệnh, điều trị, quản lý thông tin theo dõi sức khỏe và đào tạo. Vì vậy, có thể thấy, các ứng dụng A.I có vùng áp dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân thông qua hàng loạt ưu điểm: cải thiện tốc độ và độ chính xác của chẩn đoán và tầm soát bệnh tật; hỗ trợ chăm sóc lâm sàng; tăng cường nghiên cứu sức khỏe và phát triển thuốc; giám sát dịch bệnh, ứng phó với ổ dịch và quản lý hệ thống y tế…
Chẳng hạn, theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi Trung ương, công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành y đạt được mục tiêu đề ra như chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh khác, trong đó có COVID-19. Trong lĩnh vực điều trị lao, phổi, nếu áp dụng các công nghệ hiện đại, chúng ta có thể giảm tới 70% trong vòng 4 năm can thiệp. A.I sẽ hỗ trợ trong sàng lọc X-quang lao phổi, dự báo dịch tễ học không gian, hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị, hỗ trợ quản lý tác dụng phụ của thuốc…
Tại Việt Nam, A.I cũng đang được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế. Hệ thống VinDr do Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigdata) phát triển, ứng dụng A.I trong chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực và chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú, đã được thử nghiệm tại 3 bệnh viện lớn của Việt Nam là Bệnh viện 108, Đại học Y và Vinmec…
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo việc đánh giá quá cao lợi ích của A.I đối với y tế khi không lường trước các thách thức và rủi ro, bao gồm việc thu thập và sử dụng dữ liệu y tế một cách phi đạo đức; rủi ro của A.I đối với sự an toàn của bệnh nhân, an ninh mạng… Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Giống như tất cả các công nghệ mới, A.I có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, nhưng A.I cũng có thể bị lạm dụng và gây hại”.
Nguồn: Sơn Nguyễn – Nhịp Cầu Đầu Tư