Thiếu giải pháp chuyển đổi xanh là một trong ba thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp thực hành ESG, khi vừa yếu tài chính vừa thiếu nhân sự.
Thời cơ để chuyển đổi xanh
Theo Nghị viện châu Âu, EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Cam kết này sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp châu Âu và cả những doanh nghiệp có liên quan tới thị trường châu Âu, tạo ra sự chuyển dịch bắt buộc với các doanh nghiệp khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ESG bắt đầu từ 2025 hoặc 2026.
Theo ông Dennis Quennet, Giám đốc phát triển Kinh tế bền vững tại GIZ Vietnam, điều này đồng nghĩa các công ty sẽ phải làm quen với ESG, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam do quan hệ chuỗi cung ứng.
Chuyên gia của GIZ Vietnam nhận định, đây là thời cơ tốt để các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu cho sự chuyển đổi, cũng như tạo ra bước đột phá trong kinh doanh.
“Trong trung và dài hạn, việc đầu tư vào hoạt động ESG sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có bước đi từ sớm”, ông Dennis Quennet chia sẻ.
Hình 1: Ông Dennis Quennet, Giám đốc phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Vietnam – Ảnh: VA
Trong đó, lợi thế của các doanh nghiệp sớm chuyển đổi xanh là có sự chuẩn bị kĩ càng, đáp ứng các quy định về ESG, đồng thời nắm lợi thế cạnh tranh nhờ nâng cao tính minh bạch và uy tín, quản lý rủi ro tốt hơn và giảm thiểu chi phí sản xuất.
Thực tế, tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản về định hướng chiến lược, kế hoạch hành động và các chương trình hành động ở cấp độ quốc gia, và từng ngành phù hợp với các cam kết quốc tế về phát triển bền vững trong suốt giai đoạn từ năm 2017 đến nay.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam đánh giá, các cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết để thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Theo ông Long, chuyển đổi số sẽ là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở cả cấp độ quốc gia, lẫn cấp độ doanh nghiệp.
Cơ hội lớn song hành thách thức
Mặc dù chuyển đổi xanh đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhưng sẽ có ít nhất ba bài toán mà các nhà quản trị sẽ gặp phải trong quá trình thực hành phát triển bền vững.
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện cuối tháng 7/2024 cho thấy, ngân sách đang trở thành bài toán đau đầu nhất trên hành trình xanh hóa.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp còn đang băn khoăn, cân nhắc trong việc cân đối giữa chi phí đầu tư chuyển đổi xanh và lợi nhuận doanh nghiệp.
Bài toán thứ hai là về nhân lực, khi có tới 46,8% doanh nghiệp thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Cuối cùng là bài toán giải pháp và công nghệ, khi nhiều doanh nghiệp đang thực hiện quá trình đo đạc thủ công dẫn đến vấn đề sai sót, gian lận, không minh bạch dữ liệu.
Hình 2: Ông Phạm Tuân, đồng sáng lập VertZéro, FPT IS – Ảnh: VA
Để giải quyết bài toán về công nghệ, ông Phạm Tuân, đồng sáng lập VertZéro, FPT IS cho biết, trước hết doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi trọng tâm như: thực trạng giảm phát thải tại doanh nghiệp hiện nay là gì; kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong tương lai; xác định tác động tài chính tới kịch bản giảm phát thải…
Theo ông Tuân, điểm chung của các câu hỏi trên là đều gắn với dữ liệu, công nghệ. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp vẫn đang tính toán, theo dõi phát thải một cách thủ công bằng excel, thì rất dễ dẫn tới sai sót, gian lận.
https://theleader.vn/kho-chuyen-doi-xanh-neu-khong-giai-duoc-bai-toan-cong-nghe-d36572.html