Sáng ngày 11/09/2021, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) và STEAMZONE đồng hành tổ chức buổi hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho học sinh học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới” nhằm hướng dẫn phụ huynh học sinh hỗ trợ con học trực tuyến hiệu quả trong thời gian giãn cách, và các phương pháp cải thiện chất lượng giảng dạy trực quả cho các quý thầy cô.
Hội thảo tổ chức sẽ xoay quanh 04 vấn đề chính như: (1) Phương pháp dạy học trực tuyến, làm sao để trẻ thoải mái khi học cũng như tiếp thu bài giảng hiệu quả; (2) Tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến, đặc biệt là những trẻ mới bắt đầu lớp 1; (3) Các vấn đề về quản lý nhà nước trong dạy và học trực tuyến, đánh giá kết quả đạt được và những điều cần lưu ý thêm; (4) Vấn đề về công nghệ học online, kết nối đường truyền internet và những vấn đề liên quan. Tất cả những vấn đề trên đều được các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm đến từ: Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM, trung tâm đào tạo STEAMZone, Viện nghiên cứu giáo dục STEM – Đại học Missouri, Hoa Kỳ.
Hình 1: Các chuyên gia tham gia trình bày tại hội thảo
Trong suốt toàn bộ hội thảo, các diễn giả đã trả lời rất nhiều câu hỏi đến từ khách tham dự trên nền tảng trực tuyến Webex và livestream trên facebook của Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter).
Về phương pháp dạy học trực tuyến
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết: Sở GD&ĐT đã nắm được số liệu về trang thiết bị học tập cũng như đường truyền internet, cũng như môi trường học tập online khó kiểm soát được chất lượng học. Tuy nhiên, ông Tân cũng khuyến khích phụ huynh hãy dành thời gian nghiên cứu chương trình và bài học của con, nếu được, lên mạng chọn thêm những hình ảnh và các clip để minh họa tốt hơn cho các con hứng thú trong học tập, nhất định phải cùng con học tập cho đến khi việc học trực tuyến của con vào nề nếp.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Tiến sĩ chuyên về giáo dục STEM – Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) thì cho rằng: Các khó khăn có thể gặp phải trong quá trình học trực tuyến khá nhiều nhưng lại là cơ hội rất lớn cho sự thay đổi và sự thích nghi. Chúng ta đang đứng trước cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thời gian đầu chắc chắn có nhiều khó khăn cho mọi người, nhưng về lâu dài mọi người sẽ thích nghi và triển khai dễ dàng hơn. Ai thích nghi nhanh thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ cao hơn. Xu thế chuyển đổi số trong đời sống xã hội tương lai ngày càng lớn.
Tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Chuyên gia tư vấn giáo dục thì việc dạy và học trực tuyến trong thời gian dài đặt ra những thách thức và khó khăn lớn nhất cho nhà trường và phụ huynh. Cả phụ huynh và nhà giáo chưa chuẩn bị tâm lý ứng phó với thời gian giãn cách quá dài như hiện nay, nên đã không chuẩn bị đầy đủ phương tiện để dạy và học trực tuyến (đường truyền, máy tính và thiết bị khác). Chưa kể tỷ lệ phụ huynh chưa hề tiếp cận các phần mềm sử dụng dạy học trực tuyến, nên khá khó khăn khi tương tác và giao tiếp trên các phần mềm này. Vì vậy, thầy cô giáo phải thay đổi cách dạy học trực tuyến, tăng tính tương tác giữa thầy cô và học sinh. Còn phụ huynh nên kết nối chặt chẽ với giáo viên (đặc biệt là học sinh lớp 1) để có cách giúp con học tập tốt nhất. Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn. Quy định thời gian các thành viên được truy cập internet và gia đình sẽ sử dụng một ứng dụng dùng chung để khóa thiết bị khi hết thời gian cho phép. Điều quan trọng là bố mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ những nguyên tắc này.
Hình 2: Các chuyên gia lần lượt trả lời các câu hỏi của phụ huynh trên nền tảng Webex và facebook của DXCenter
Vấn đề an toàn, an ninh trên môi trường Internet
Về vấn đề an toàn trên môi trường học trực tuyến ông Hà Duy Bình – Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng Trực Tuyến Việt Sin (VsionGlobal), Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục cho rằng: Để hạn chế các đối tượng xấu có nhiều hành vi quấy rối, tấn công mạng gây mất an toàn cho học sinh và lo lắng của phụ huynh thì Sở GD&ĐT nên có thông báo hướng dẫn, cách cài đặt phần mềm quét virus. Đồng thời hướng dẫn học sinh lẫn phụ huynh học sinh không tải các phần mềm không đáng tin cậy, không trả lời email hoặc nhấp chuột vào các đường link không rõ nguồn gốc, cài đặt phần mềm theo dõi và giám sát trẻ truy cập internet. Đặc biệt, cha mẹ học sinh nên chọn lọc các nội dung học trực tuyến chính thống từ Sở Giáo dục và Đào tạo công bố trên website. Hoặc tạo ra các phần mềm dạy và học có tính tương tác cao và sinh động để thu hút sự chú ý của trẻ như phần mềm E-learning của công ty cổ phần Tin học Lạc Việt.
Kinh nghiệm triển khai học trực tuyến từ các nước
Về kinh nghiệm triển khai học trực tuyến tại Malaysia, bà Đỗ Hồng Dinh – Giám đốc Kinh doanh IoT Tập đoàn Công nghệ Intel: Tại Malaysia chính phủ hỗ trợ và triển khai học trực tuyến với các giải pháp như: Lên kế hoạch học online cho từng lứa tuổi; Thống nhất một phần mềm chung cho việc dạy và học trực tuyến trên toàn quốc; Đào tạo giáo viên các kỹ năng dạy trực tuyến, giáo viên sẽ là người hướng dẫn lại cho PHHS để hai bên cùng kết hợp một cách hiệu quả; Phân loại thu nhập của phụ huynh sẽ cung cấp thiết bị miễn phí cho học sinh và đưa ra các gói khuyến mãi internet băng thông rộng.
Song song trẻ học online thì phụ huynh cũng làm việc tại nhà nên cần phải chuẩn bị đường truyền internet có băng thông lớn để tránh bị nghẽn mạch. Máy tính phải có màn hình tối thiểu 11 inch để không gây hại cho mắt của trẻ và không gian ngồi học với nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Bàn học phải vừa với kích thước của trẻ.
Hình 3: Các chuyên gia cùng chụp 1 tấm hình lưu niệm trên nền tảng online
Sau hơn 2h diễn ra hội thảo trực tuyến với rất nhiều câu hỏi dành cho các diễn giả, hi vọng những chia sẻ tại hội thảo sẽ giải đáp được một số băn khoăn của phụ huynh cũng như giúp phụ huynh tự tin tham gia việc học cùng con và tạo ra điều kiện gắn bó với con nhiều hơn, hiểu thêm về cách giảng dạy của giáo viên và chia sẻ với con về các bài học trên lớp. Từ đó giúp phụ huynh biết con đã tiếp nhận những kiến thức như thế nào và mức độ thấu hiểu ra sao để có những điều chỉnh kịp thời nếu con chưa nắm bắt được kiến thức.
– Quý vị quan tâm có thể theo dõi lại hội thảo tại Facebook: https://www.facebook.com/dxcenterhcmc/videos/1000265827208962
– Đặt thêm các câu hỏi tại nhóm Zalo hỗ trợ (https://zalo.me/g/lqprdy850) hoặc hoặc gửi email đến info@dxcenter.org.vn
– Đánh giá chất lượng hội thảo tại link: https://forms.gle/KZhv4o1DpFgPRFEt9
– Theo dõi thông tin các hội thảo tiếp theo tại website DXCenter: https://bit.ly/3tt4kLK
– Báo cáo tổng kết hội thảo, vui lòng xem tại đây