TPHCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số (DXCenter) nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của thành phố. DXCenter đóng vai trò làm cầu nối, đưa các ứng dụng, giải pháp CĐS vào đời sống, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để giải pháp CĐS đến với người dùng là điều không dễ dàng.
Hình 1: DXCenter tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong ngành dịch vụ công ích
Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số
Từ tháng 11-2022, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia từ DXCenter, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đã xây dựng, đưa vào sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tiền thu gom rác và vận chuyển rác thải sinh hoạt. Sau hơn 3 tháng triển khai, dịch vụ này được nhiều người dân trên địa bàn quận hưởng ứng, ủng hộ. Bà Vũ Thiên Kim, ngụ quận 1, cho biết: “Tôi thấy việc này rất tiện lợi cho cả đơn vị thu gom rác và người dân vì thực tế, việc gõ cửa từng nhà để thu tiền rác rất tốn thời gian và công sức của lực lượng công ích”.
Từ tháng 11-2022, Sở GD-ĐT TPHCM đã chọn 2 đơn vị triển khai thí điểm mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi). Đây là 2 trường ở vùng ven thành phố, điều kiện dạy học và tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt Trường tiểu học Thạnh An rất khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, nên mô hình lớp học thông minh được áp dụng cho học sinh khối lớp 4 và 5 của trường này. Theo đó, giáo viên tiếng Anh sẽ giảng dạy trực tuyến tại phòng học thông minh trong khuôn viên của Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12). Phòng học được thiết kế trong môi trường cách âm, tiêu âm hoàn toàn, thuận tiện cho việc giảng dạy và tương tác với học sinh. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, hệ thống còn gắn với các trò chơi trực tuyến để tạo sự hứng thú cho các em. Ông Hà Duy Bình, Trưởng ban Giáo dục của DXCenter, cho biết: “TPHCM là địa phương thiếu nhiều giáo viên đứng đầu cả nước. Lớp học số là giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học tại TPHCM, kỳ vọng các giải pháp CĐS trong giáo dục sẽ giải quyết được phần nào khó khăn này”.
Hỗ trợ kinh phí để tiếp cận ứng dụng
Năm 2022, DXCenter đã tổ chức hàng chục sự kiện, hội thảo, như chuyên đề “Công nghệ Blockchain và giải pháp định danh số”, “Xu hướng và ứng dụng CĐS trong dịch vụ giám sát nhân công”; hội thảo “Cùng nhau làm chủ tương lai” với Google Play Academy… nhằm nâng cao nhận thức CĐS cũng như tạo điều kiện đưa các giải pháp CĐS đến với người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn. Các chuyên gia tại DXCenter cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo, hỗ trợ gần 30 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại TPHCM, qua đó hỗ trợ 26 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ CĐS thành công. Bên cạnh đó, DXCenter tiếp đón gần chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu và làm việc như Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn MDEC (Malaysia), Tập đoàn Enterprise Singapore, Google Singapore… đến tìm hiểu mô hình của trung tâm nhằm có hướng hợp tác, hỗ trợ CĐS.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, DXCenter hiện có 350 giải pháp sẵn sàng chờ áp dụng vào thực tiễn, chủ yếu ở các lĩnh vực như văn phòng số, hạ tầng, bán lẻ, sản xuất; trong đó có thể kể đến các giải pháp ứng dụng ngay như chữ ký số, hệ thống quản lý camera thông minh, nhận diện khuôn mặt sử dụng công nghệ AI… “Để người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng, công cụ CĐS không phải nói là làm được ngay, đòi hỏi phải có quá trình tiếp cận, thuyết phục… và quan trọng nhất phải chứng minh ứng dụng giải pháp CĐS mang lại lợi ích. Vì vậy, kho giải pháp CĐS ở DXCenter không phải là ít nhưng số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng vẫn còn hạn chế”, ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter, thừa nhận.
Năm 2023, DXCenter sẽ mở 10-15 lớp đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về các hoạt động CĐS. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ mở rộng ban chuyên gia để tư vấn trong lĩnh vực công quy mô nhỏ, vốn đang gặp khó khăn trong việc CĐS cũng như đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ tập hợp khoảng 1.000 sản phẩm, công cụ, giải pháp về CĐS ở tất cả lĩnh vực. Để các giải pháp CĐS nhanh chóng đi vào đời sống, DXCenter đã kiến nghị thành phố hỗ trợ 50% kinh phí để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hoạt động này. “Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước qua chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ đơn vị cung cấp giải pháp lẫn đơn vị ứng dụng giải pháp CĐS”, ông Phan Phương Tùng nhấn mạnh.
Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM: Mong muốn chuyển đổi số mạnh mẽ, có chiều sâu hơn
Khảo sát của Bộ KH-ĐT với 1.000 doanh nghiệp mới đây cho thấy, gần 40% doanh nghiệp có ngân sách đáp ứng nhu cầu CĐS (mức trung bình đến đầy đủ) để tiếp nhận tư vấn và giải pháp CĐS. Tuy nhiên, gần 50% doanh nghiệp từng sử dụng một số giải pháp CĐS phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng hiện đã dừng do các giải pháp không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp. Thời gian tới, Hội Tin học và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các khóa huấn luyện, đào tạo, tổ chức các hội thảo nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của thành phố thúc đẩy các hoạt động CĐS mạnh mẽ, có chiều sâu.
BÙI TUẤN
https://www.sggp.org.vn/ho-tro-va-tu-van-chuyen-doi-so-thuc-day-dua-ung-dung-giai-phap-vao-cuoc-song-post681349.html