Năm 2024, TP.HCM tập trung công tác chuyển đổi số (CĐS) gắn với Chủ đề năm 2024 của thành phố là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” và phù hợp định hướng CĐS quốc gia năm 2024.
Nhân dịp cuối năm, nhìn lại kết quả CĐS trong năm qua, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trao đổi với ông Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM, Phó Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của TP.HCM về vấn đề này.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM.
Kết quả nổi bật trong CĐS
Trong năm 2024, CĐS của TP.HCM đã đạt những kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Ông Lâm Đình Thắng: Trong năm 2024, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác CĐS, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động CĐS được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trong năm qua, UBND Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách về triển khai CĐS và Đô thị thông minh, triển khai Đề án 06 tại TP.HCM năm 2024 như kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện CĐS; miễn, giảm mức thu lệ phí áp dụng đối với 98 thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thành lập Trung tâm CĐS TP.HCM; Công bố kết quả xếp hạng CĐS của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.HCM…
Hạ tầng số của Thành phố được tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể nhằm nâng cấp, nâng cao năng lực xử lý, đảm bảo an toàn thông tin, khả năng vận hành thông suốt từ Thành phố đến cấp phường xã.
Thành phố đã ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 91 tập dữ liệu mở; triển khai Kho dữ liệu Gis TP.HCM với 201 lớp dữ liệu GIS. Thực hiện ứng dụng chữ ký số, số hóa trong quy trình giải quyết TTHC trong CQNN; số hóa và lưu trữ tài liệu điện tử trên nền tảng số thống nhất gắn với Kho dữ liệu điện tử của người dân.
Chủ đề năm 2024 của TP.HCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Thành phố tiếp tục đưa vào vận hành chính thức 09 nền tảng số cho Hệ thống chính quyền số thành phố, như: (1) Hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước tại TP.HCM; (2) Hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo Thành phố; (3) Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM; (4) Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Thành phố ; (5) Nền tảng hỗ trợ hoạt động Hội đồng nhân dân Thành phố ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tại kỳ họp lần thứ 17 – khóa X; (6) Hệ thống điều phối vận hành Chính quyền số.
Ngoài ra, Thành phố triển khai đưa vào vận hành các nền tảng do Bộ TT&TT hướng dẫn: (7) Nền tảng báo cáo trực tuyến ngành Thông tin và Truyền thông, (8) Nền tảng quản lý an toàn thông tin và ngày 14/11/2024, TP.HCM đã chính thức ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM, với mong muốn chỉ bằng tương tác một chạm là có thể giao tiếp trực tuyến hai chiều chính quyền – người dân nhanh chóng, hiệu quả.
Với ứng dụng này, TP.HCM tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai kế hoạch “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn TP.HCM. Phối hợp Bộ TT&TT để xây dựng các mô hình phát triển Kinh tế số tại Thành phố.
Kết quả đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt: 71.18%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử: 80.20%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử: 95.21%.
Những kết quả trên là nổ lực của thành phố trong năm 2024 nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch mục tiêu và chương trình CĐS, phát triển đô thị thông minh thành phố đến năm 2025.
Những khó khăn trong CĐS
Bên cạnh các kết quả nổi bật, thì khó khăn lớn nhất trong CĐS mà TP.HCM gặp phải là gì?
Có 3 khó khăn lớn nhất về CĐS của TP.HCM.
Thứ nhất, là khó khăn về huy động nguồn nhân lực phục vụ CĐS. Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ như thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thành lập Trung tâm CĐS nhưng nhân lực chuyên trách CNTT đặc biệt trong các cơ quan nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của Thành phố khi khối lượng công việc bộ phận này ngày càng cao và áp lực trước môi trường số ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu với quy mô lớn của Thành phố.
Thứ hai, là khó khăn trong việc liên thông, đồng bộ với cả nước về kỹ thuật lẫn cải cách thủ tục hành chính. Đây là khó khăn khách quan trong CĐS, đòi hỏi Thành phố và các bộ ngành tiếp tục nổ lực trong giải quyết nhằm hệ thống Chính quyền số Thành phố và các Hệ thống thông tin của các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc vận hành thông suốt trên môi trường số.
Thứ ba, khó khăn trong tìm và huy động nhiều nguồn lực trong thực hiện CĐS. Mặc dù lãnh đạo Thành phố quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác CĐS, tuy nhiên các quy định thủ tục đầu tư CNTT trong quá trình hoàn thiện, chưa đáp ứng với nhu cầu và tốc độ CĐS.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có các chính sách, giải pháp huy động nguồn lực cụ thể hơn để hỗ trợ về tài chính lẫn kỹ thuật trong CĐS. Việc thúc đẩy xã hội số, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ để tham gia vào chung quá trình CĐS thành phố.
Vậy, sắp tới chuyển đổi số của thành phố sẽ tập trung những trọng tâm nào?
Thành phố sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực quản trị số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và quản lý đô thị của Thành phố. Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế số, xã hội số trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực bao gồm Giáo dục, Y tế, Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Logistics, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp.
Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo song song với quản trị dữ liệu hiệu quả, xây dựng phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái dữ liệu mở theo chiến lược dữ liệu Thành phố để đẩy nhanh tiến độ CĐS trong các lĩnh vực trên.
Cần chuẩn bị để thích nghi
Trước sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuyển đổi số, theo ông, người lao động, cũng như người dân cần chủ động những vấn đề gì để thích nghi?
Theo tôi, trước sự chuyển dịch mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và CĐS, người lao động và người dân cần chủ động thích nghi để không bị bỏ lại phía sau.
Nâng cao nhận thức, hiểu rõ và thay đổi tư duy về CĐS, chấp nhận sự thay đổi, sẵn sàng học hỏi và thích nghi với môi trường làm việc mới.
Chủ động tìm kiếm thông tin, cập nhật thông tin về CĐS, thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ từ Thành phố và tham gia các hoạt động trong quá trình CĐS thành phố.
Chúng ta cần phát triển kỹ năng số bằng cách tham gia sử dụng các dịch vụ công, tiện ích số trên môi trường mạng để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Còn đối với giới trẻ cần trang bị những kỹ năng gì trong thời đại kỷ nguyên số?
Giới trẻ là lực lượng chủ chốt trong thời đại kỷ nguyên số, nắm giữ vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai. Để thành công và phát triển trong thời đại này, bên cạnh những kỹ năng nền tảng, giới trẻ cần sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số.
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng mạng xã hội, giới trẻ cần thành thạo các công cụ văn phòng, phần mềm thiết kế, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, bảo vệ thông tin cá nhân, nhận biết và phòng tránh các mối nguy hiểm trên không gian mạng…
Linh hoạt thích nghi với môi trường làm việc và cuộc sống luôn biến động, giao tiếp đa văn hóa trên môi trường số. Bằng việc trang bị những kỹ năng này, giới trẻ sẽ tự tin bước vào kỷ nguyên số, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và tạo nên những thành công cho bản thân và xã hội.
Cảm ơn ông!
https://khoahocphothong.vn/giam-doc-so-tt-tt-lam-dinh-thang-tp-hcm-dat-duoc-nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-chuyen-doi-so-258254.html