Lãnh đạo nhiều CSGDĐH chỉ ra rằng những lĩnh vực “mũi nhọn” đang đối mặt không ít thách thức trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số được xem là chìa khóa để bứt phá. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.
Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt; đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hiện đại hoá phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.
Đây được xem là bước phát triển đột phá đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực “mũi nhọn”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, việc phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch và các công nghệ then chốt hiện đang gặp nhiều khó khăn mang tính hệ thống và lâu dài.
Thứ nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là những người có trình độ tiến sĩ được đào tạo bài bản ở các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển; trong khi đó, nhiều chuyên gia giỏi lại lựa chọn làm việc tại doanh nghiệp hoặc ra nước ngoài do môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn hơn.
Thứ hai, công tác đào tạo và tái đào tạo giảng viên còn hạn chế trong khi các chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, cơ hội bồi dưỡng chuyên sâu và cơ chế tài trợ dài hạn để giảng viên được tiếp cận với công nghệ mới, mô hình công nghiệp hiện đại còn ít.
Thứ ba, môi trường nghiên cứu và thực hành ở nhiều trường đại học vẫn còn yếu, thiếu phòng thí nghiệm hiện đại, phần mềm bản quyền và thiết bị chuyên dụng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận thiết bị thực tế từ doanh nghiệp cũng hạn chế nên việc gắn kết giữa lý thuyết, thực hành và nghiên cứu ứng dụng gặp nhiều trở ngại.
Thứ tư, chính sách thu hút và đãi ngộ chưa đủ sức cạnh tranh để “giữ chân” người giỏi và thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều có trình độ cao tham gia giảng dạy, chuyển giao tri thức.
Cuối cùng, liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo, thiếu chiều sâu, chưa tạo được các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn. Điều này khiến giảng viên khó cập nhật yêu cầu từ ngành công nghiệp, dẫn đến nội dung giảng dạy chậm thích ứng với thực tế.
Những khó khăn nêu trên đòi hỏi một chiến lược tổng thể như đẩy mạnh đầu tư cho đào tạo và bồi dưỡng; cải thiện chính sách đãi ngộ; mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy liên kết thực chất với doanh nghiệp. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có năng lực, đủ sức dẫn dắt đổi mới trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của đất nước.
….
https://giaoduc.net.vn/dua-ai-tro-thanh-mon-bat-buoc-don-bay-quan-trong-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-post251689.gd