Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số: chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, thiếu sự cam kết và kiên trì từ lãnh đạo, thiếu thông tin về công nghệ số, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số.
Khảo sát nhanh của Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số.
Doanh nghiệp không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ khâu nào, cần chuẩn bị những gì, làm thế nào để chuyển đổi số hiệu quả, nhân sự và tài chính cần có kế hoạch ra sao, tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính ở đâu…
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, chuyển đổi số là khái niệm mà hiện nay chúng ta đang nghe nhiều. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp hiểu rõ và chuẩn bị tốt để bắt đầu vào thực tiễn kinh doanh.
Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Thiếu sự cam kết và kiên trì từ lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ số, đồng thời hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cho công cuộc này.
Việc hiểu rõ về chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả của bộ phận bán hàng và marketing trong môi trường số là nội dung mà không những doanh nghiệp của tôi, mà tôi tin chắc rằng rất nhiều doanh nghiệp khác rất cần và mong được tư vấn.
Ông Vũ Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa ông Vũ Ngọc Cảnh chia sẻ, chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều thách thức do dịch bệnh, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là mối lo mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Ông Chu Trường Ân, Phó Giám đốc Công ty TNHH phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh đặt vấn đề: Phải bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số khi mà chúng tôi vẫn đang tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Chúng tôi khá băn khoăn về tiến trình này.
Do đó, lãnh đạo Tôn Vinh cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp là được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về mặt tư duy và kỹ thuật, được hỗ trợ lên kế hoạch tổng thể và chi tiết.
Đặc biệt là chỉ ra cho doanh nghiệp thấy được lộ trình và những điểm gì làm trước, điểm gì làm sau, cần phải chuẩn bị hạ tầng hay máy móc như thế nào và dự kiến nguồn ngân sách cho hoạt động là bao nhiêu?….
Trước thực trạng này, ông Chiến cho biết, Bộ Công Thương đang từng bước triển khai các hoạt động huấn luyện, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn trong thời kỳ Covid-19 và trong thời gian tới.
Đơn cử như tập huấn, thực hành chuyển đổi số trong bán hàng và marketing cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là chuỗi sự kiện do Cục phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tập trung nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các tổ chức và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
“Kỹ năng bán hàng và marketing cho doanh nghiệp là hai hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao doanh số, hình ảnh của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp thấy được hiệu quả tức thì khi bắt đầu cho chuyển đổi số”, ông Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên thông trong chuỗi cung ứng, tận dụng các công cụ về công nghệ để xúc tiến bán hàng… là hết sức cần thiết.
Từ kết quả trực quan do hoạt động bán hàng và marketing mang lại, doanh nghiệp có thể mạnh dạn hơn, tự tin hơn và quyết tâm hơn trên con đường chuyển đổi số của mình.
Nguồn: Vũ Khuê – VnEconomy