Nhiều công nghệ đã được áp dụng tại Olympic Tokyo 2020 mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người xem.
Tại Olympic năm nay, khán giả không được vào sân cổ vũ cho các vận động viên. Tuy nhiên, trong chương trình của đài TBS ở Tokyo, khán giả vẫn có thể xuất hiện trong sân vận động qua chương trình cổ vũ từ xa. Họ chỉ cần ngồi trước webcam, hình ảnh sẽ được truyền và hiển thị trên khán đài sân vận động khi các vận động viên thi đấu.
Đó chỉ là một trong nhiều công nghệ thú vị được các đài truyền hình Nhật Bản áp dụng tại Olympic. Khi vận động viên bơi Yui Ohashi từ Nhật Bản giành huy chương vàng nội dung 200 m cá nhân, hình ảnh xuất hiện trên TV cho thấy tốc độ của từng vận động viên theo thời gian thực, tính bằng đơn vị m/s.
Khán giả đài TBS có cơ hội xuất hiện trong sân vận động qua chương trình cổ vũ từ xa. Ảnh: Nikkei.
Theo Nikkei, những thông số trên được ghi nhận nhờ công nghệ tiên tiến của hãng đồng hồ Omega từ Thụy Sĩ. 4 camera đặc biệt dùng để đếm số lần quạt tay (stroke count) và gia tốc của các vận động viên, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tính toán tốc độ bơi.
Alain Zobrist, CEO Omega Timing cho biết công nghệ này giúp khán giả dễ dàng theo dõi toàn bộ cuộc thi, cung cấp thông tin chi tiết về yếu tố quyết định người chiến thắng.
Còn với môn bóng rổ, các camera 5K của Intel được sử dụng để ghi nhận hình ảnh 3 chiều, giúp khán giả tùy chỉnh vị trí xem theo bất cứ góc ưa thích.
“Khán giả có thể xem lại video và theo dõi chuyển động quả bóng theo góc nhìn của cầu thủ”, Kunimasa Suzuki, Chủ tịch Intel Nhật Bản chia sẻ.
Trong khi đó, Dịch vụ Phát sóng Olympic (Olympic Broadcasting Services), chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Olympic cho khán giả quốc tế, đã hợp tác với Panasonic để hiển thị nhịp tim của các vận động viên môn bắn cung. Hãng đã trang bị 4 camera đặt cách xa 20 m, có thể đo nhịp tim dựa trên thay đổi tông màu da.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cũng lần đầu phát sóng Thế vận hội ở chất lượng 4K và 8K. Toàn bộ thiết bị phát sóng, camera quay hình ảnh tốc độ cao và slow-motion tương thích với độ phân giải 8K, được trang bị trong các môn judo, bơi lội và một số bộ môn khác.
Theo Hiệp hội Xúc tiến Dịch vụ Phát sóng Tiên tiến Nhật Bản, gần 460.000 thiết bị 4K và 8K đã được bán trên khắp đất nước trong tháng 6, cao thứ 2 từ trước đến nay.
Camera của Intel phân tích tốc độ của các vận động viên điền kinh theo thời gian thực. Ảnh: Intel.
Do đa số môn thi đấu không cho khán giả vào sân, lượng người xem Olympic 2020 qua livestream được dự báo tăng vọt. gorin.jp, website của đơn vị phát sóng chính thức Olympic tại Nhật Bản ghi nhận lượt truy cập tăng mạnh. Dự kiến website này sẽ phát sóng 2.000 giờ, bao gồm các môn thi đấu và một số chương trình độc quyền trên Internet.
Dù lượt truy cập chi tiết không được tiết lộ, đại diện Hiệp hội Phát thanh Thương mại Nhật Bản cho biết đến ngày thi đấu thứ 4, lượt xem Olympic Tokyo 2020 đã vượt qua Olympic Rio 2016 và Pyeongchang 2018.
Olympic luôn là sự kiện thể thao áp dụng nhiều công nghệ phát sóng tiên tiến. Tại Olympic Tokyo 1964, lần đầu tiên khán giả thế giới được theo dõi chương trình trực tiếp có màu qua vệ tinh. Tại Olympic London 2012, đài BBC đã phát sóng một số môn thi đấu ở độ phân giải 4K hoặc 8K, được chiếu tại Nhật Bản và một số địa điểm công cộng.
Nguồn: Zingnews – Phúc Thịnh (Theo Nikkei)