Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) là một trong những đơn vị được giao thành lập Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter). Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc QTSC để hiểu rõ hơn về cách chuyển đổi số (CĐS) và hiệu quả của nó.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố chương trình CĐS theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020, tiếp theo đó là kế hoạch triển khai chương trình CĐS của Thành phố năm 2021 được UBND TP.HCM ban hành ngày 10/3/2021.
Để triển khai CĐS nhằm đạt các mục tiêu đề ra, TP.HCM cần nhiều công cụ để thực hiện, trong đó lãnh đạo Thành phố ưu tiên thành lập các trung tâm chuyên nghiệp để thúc đẩy CĐS tại các khu vực trọng điểm. Trong giai đoạn đầu tiên, TP.HCM giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với QTSC thành lập DXCenter.
Nhiều năm qua, chúng ta đã nói nhiều đến CĐS và “cái hay” của người Việt là cái gì mới thì hưởng ứng rất nhanh, làm cũng rất nhanh. Đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, một số doanh nghiệp, tổ chức đã quyết tâm CĐS, nhưng khi làm thì mỗi đơn vị một hướng khác nhau.
CĐS là một lĩnh vực khá mới mẻ nên không phải ai làm rồi, biết rồi, thậm chí ứng dụng rồi cũng có thể hiểu thấu đáo bản chất của nó.
Vì thế, để CĐS thành công, đầu tiên phải thay đổi tư duy và nhận thức. Hiện vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu đến nơi đến chốn CĐS; đâu đó một số nơi, một số người tiếp cận rồi thấy khó quá, phức tạp quá nên không quan tâm đến CĐS nữa.
Từ năm 2016, QTSC đã thực hiện CĐS và kinh nghiệm cho thấy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức. Khi có nhận thức rõ ràng thì sẽ giải quyết được vấn đề tài chính, quy trình, công nghệ. Mà đã nói đến nhận thức thì phải có cả quá trình chứ không phải nói hôm nay là ngày mai có thể thay đổi được.
Thứ hai, phải có công cụ. Nhưng để có công cụ thì một mình Nhà nước không làm nổi. Nếu Nhà nước làm hoặc giao CĐS cho một vài ban, ngành nào đó làm thì cũng chỉ làm được ở một vài lĩnh vực nào đó và trong khu vực quản lý công, còn khu vực tư nhân thì khó làm hết và hiểu hết. Vì thế, Thành phố mới giao QTSC thành lập DXCenter, để nói nôm na là làm cầu nối, kết nối.
* Đối tượng ưu tiên nhất mà DXCenter hướng đến là doanh nghiệp hay người dân, thưa ông?
– Đối tượng đầu tiên chúng tôi hướng đến là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, như quán cà phê, người bán lẻ; các đơn vị, tổ chức có nhu cầu CĐS; doanh nghiệp công nghệ số mong muốn tiếp cận khách hàng tiềm năng để chuyển giao công nghệ; sở, ban, ngành, quận, huyện có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào quy trình phục vụ người dân; người dân có nhu cầu tham quan, tìm hiểu kiến thức CĐS, phương thức ứng dụng công nghệ.
Đơn cử, với những mô hình rất “bình dân” như một công ty siêu nhỏ từ 3-5 người cần ứng dụng gì để giảm chi phí, hoặc quán cà phê, cửa hàng thời trang hay tiệm tạp hóa, căn tin thì CĐS những nội dung gì để gia tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả quản trị, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào chương trình CĐS quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Hiện nay, một số hiệp hội, hội doanh nghiệp cũng đã phát động chương trình CĐS hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn mang tính chất tổ chức của hội đoàn, còn DXCenter là chương trình của Thành phố và được xem là cái chợ có người mua, người bán.
* DXCenter có thể áp dụng thành quả của CĐS ở những nước phát triển?
– Ở các nước, tùy theo thể chế, có nước thì chính phủ giao cho tư nhân, có nước thì chính phủ trực tiếp tổ chức CĐS. Tuy nhiên, dù chính phủ hay tư nhân làm thì cũng phải đạt 5 yếu tố sau:
Thứ nhất, phải là tổ chức chính danh. Ví dụ DXCenter là do UBND TP.HCM giao chứ nếu QTSC tự đứng ra làm là không được.
Thứ hai là phải tập hợp được chuyên gia tư vấn chuyên sâu. Bởi CĐS hiệu quả cần yếu tố hoạch định kế hoạch chứ không chỉ công nghệ. Ví dụ, khi nói CĐS ngành nông nghiệp thì không thể CĐS chung chung mà phải đi vào các nhánh của nông nghiệp, như thủy sản, vật nuôi, cây trồng chẳng hạn. Vì thế, phải có chuyên gia tư vấn chuyên sâu về từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải chỉ có chuyên gia công nghệ.
Thứ ba là trung tâm CĐS phải có mối quan hệ với thương vụ ở các lãnh sự quán, đại sứ quán, vườn ươm, các tập đoàn trong nước, nước ngoài để giao lưu công nghệ và nhận hợp tác.
Thứ tư là phải có sự tham gia, gắn bó của đội ngũ báo chí chuyên về CĐS với trung tâm CĐS.
Thứ năm là phải xây dựng được hệ sinh thái hoàn chỉnh về hỗ trợ tư vấn cho CĐS.
Tuy nhiên, thực tế ở một số nước, để thực hiện được 5 yếu tố này không hề đơn giản.
* Theo ông, trong 5 yếu tố ấy thì yếu tố nào khó nhất?
– Khó nhất là yếu tố thứ hai và thứ năm. Vì Việt Nam là nước đang phát triển nên cách CĐS hiện nay là thấy các nước đã làm thì copy nguyên xi hoặc chỉnh sửa. Tuy nhiên, việc đi sau cũng có cái lợi là học được thất bại của người đi trước.
Hiện nay, một số hiệp hội, hội doanh nghiệp cũng đã phát động chương trình CĐS hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn mang tính chất tổ chức của hội đoàn, còn DXCenter là chương trình của Thành phố và được xem là cái chợ có người mua, người bán.
Cũng do kinh tế của chúng ta chưa mạnh nên khó khăn trong việc xây dựng hệ sinh thái CĐS. Bởi muốn xây dựng hệ sinh thái CĐS thì phải có sự phát triển đồng đều giữa các lĩnh vực. Ví dụ muốn hệ sinh thái CĐS thì phải có chuyên gia tư vấn giỏi, có công nghệ tốt, giải pháp tốt.
Một ví dụ dễ thấy là hiện nay việc học online có nhiều công cụ để ứng dụng nhưng một hệ platform quản lý, giám sát học sinh học tập thì lại chưa có.
* Giai đoạn đầu DXCenter gắn liền với chương trình CĐS của TP.HCM như thế nào?
– Để triển khai và vận hành, DXCenter phải tận dụng các nguồn lực xã hội, giảm thiểu nhân sự, tài chính từ ngân sách nhà nước. DXCenter hoạt động theo mô hình tổ chức khoa học – công nghệ tự chủ về tài chính, linh hoạt để thuận tiện trong việc mở rộng hợp tác với đối tác trong và ngoài nước. Dự kiến DXCenter khai trương vào quý III/2021 tại số 6 Tú Xương, quận 3, TP.HCM.
Giai đoạn đầu, DXCenter xây dựng các nhóm chuyên gia tư vấn chuyên sâu ở các lĩnh vực trọng điểm cũng như chương trình hoạt động của từng nhóm, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, đặc biệt là các hiệp hội công nghệ thông tin. DXCenter cũng sẽ mời gọi doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước tham gia giới thiệu sản phẩm tại “ngôi nhà chung” về chuyển đổi số, gồm không gian chuyên đề về kinh tế số, hạ tầng số, chính quyền số, xã hội số… dự kiến tập trung 10 lĩnh vực lớn và hơn 50 lĩnh vực chuyên sâu. Ở “ngôi nhà chung”, dữ liệu về các sản phẩm, giải pháp sẽ được số hóa trên nền tảng DX-eHub, tích hợp các chức năng đánh giá, review, demo thử nghiệm. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp ít nhất 1.000 sản phẩm, giải pháp cho CĐS và 100 mô hình CĐS ở các lĩnh vực khác nhau.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Nguồn: Vy Minh Quân – Doanh Nhân Sài Gòn Online