1. Sự thay đổi môi trường kinh doanh trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS)
Thế giới sau hơn 30 năm dịch chuyển từ “môi trường truyền thống” sang “môi trường số”, gần như mọi thứ đã diễn ra khác đi rất nhiều ở cả 03 quá trình sản xuất kinh doanh: (i) Các yếu tố đầu vào, (ii) tiến trình quản lý và sản xuất và (iii) các yếu tố đầu ra. Quyển sách “Cẩm nang Chuyển đổi kỹ thuật số: Suy nghĩ lại về doanh nghiệp của bạn trong thời đại kỹ thuật số”[1] đưa ra 05 yếu tố đang chịu sự tác động mạnh mẽ bởi quá trình của chuyển đổi số, bao gồm: Khách hàng, sự cạnh tranh, dữ liệu, đổi mới và giá trị với các phân tích như sau:
Hình 1.1 – 05 yếu tố chịu sự tác động mạnh mẽ bởi CĐS trong doanh nghiệp
Bấm để phóng to ảnh
(Nguồn: David L. Rogers,2016)
Thứ nhất, về khách hàng:
Trong bối cảnh CĐS, khách hàng trở thành mạng lưới năng động với việc giao tiếp diễn ra 02 chiều, theo luồng giá trị đối ứng và khách hàng là người có ảnh hưởng chính đến việc mua hàng chứ không còn là doanh nghiệp. Nói cách khác, trong mô hình CĐS, khách hàng được kết nối động và tương tác theo nhiều cách khác nhau dựa trên mối quan hệ với nhau.
Hình 1.2 – Mô hình mạng lưới khách hàng trong bối cảnh CĐS
Bấm để phóng to ảnh
(Nguồn: David L. Rogers,2016)
Thứ hai, về sự cạnh tranh
Trong xu hướng CĐS, “sự cạnh tranh” và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Với sự gia tăng của IoT, ngày càng có nhiều sản phẩm thông minh tham gia vào thị trường, thay đổi lĩnh vực ngành và cấu trúc cạnh tranh với các mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ và quá trình các doanh nghiệp đang định hình lại ranh giới ngành, tạo ra các ngành hoàn toàn mới. Các sản phẩm thông minh và kết nối có khả năng nâng cao – cho phép thay đổi căn bản các mô hình kinh doanh. Sự chuyển đổi từ mô hình kinh doanh dựa trên sản phẩm sang dịch vụ làm trung tâm đã xuất hiện. Sự chuyển đổi này buộc các công ty phải đánh giá sự liên kết chuỗi giá trị của họ, đưa ra các quyết định chiến lược mới để đối phó với cạnh tranh, xác định lại cơ cấu tổ chức và thay đổi các yếu tố ứng dụng thành công (Industry 4.0, 2016, p.25).
Thứ ba, về dữ liệu
Hầu hết dữ liệu có sẵn cho các doanh nghiệp hiện nay đang được tạo ra từ mọi cuộc trò chuyện, tương tác, từ quá trình bên trong hoặc bên ngoài các doanh nghiệp với khối lượng dữ liệu khổng lồ. Với phương tiện truyền thông xã hội, thiết bị di động và cảm biến, các công cụ phân tích hiện đại, mọi doanh nghiệp đều có khả năng truy cập vào dòng dữ liệu phi cấu trúc có sẵn. Không những thế, các công cụ “dữ liệu lớn – big data” cho phép doanh nghiệp đưa ra các loại dự đoán mới, phát hiện ra các mô hình bất ngờ trong hoạt động kinh doanh và mở khóa các nguồn giá trị mới. Như vậy, có thể thấy, dữ liệu đang trở thành mạch máu của mọi bộ phận và là tài sản chiến lược được phát triển và triển khai theo thời gian. Dữ liệu giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trên thị trường và tạo ra giá trị mới.
Thứ tư, sự đổi mới
Ở môi trường kinh doanh truyền thống, sự đổi mới chỉ tập trung vào khâu thành phẩm bởi vì việc thử nghiệm thị trường rất khó khăn và tốn kém, hầu hết các quyết định về những cải tiến mới đều dựa trên phân tích và trực giác của nhà quản lý. Tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã có thể cho phép năng lực đổi mới sáng tạo được phát triển ở mức vô cực dựa trên sự học hỏi liên tục thông qua các thử nghiệm nhanh. Khi công nghệ kỹ thuật số giúp việc thử nghiệm các ý tưởng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nhận được phản hồi từ thị trường ngay từ đầu quá trình đổi mới của mình, khi ra mắt và thậm chí là các quá trình sau đó.
Thứ năm, giá trị
Theo truyền thống, giá trị cơ bản mà một doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng được coi là không đổi và được xác định bởi chính ngành kinh doanh. Một doanh nghiệp thành công là một doanh nghiệp có đề xuất giá trị rõ ràng, tìm thấy điểm khác biệt của thị trường và tập trung vào việc thực hiện và cung cấp phiên bản tốt nhất của đề xuất giá trị tương tự cho khách hàng năm này qua năm khác. Tuy nhiên, ở quá trình CĐS, với sự xuất hiện thêm của các đối thủ cạnh tranh mới không cùng ngành, sự cạnh tranh trong CĐS diễn ra khốc liệt hơn cũng là tác nhân thúc đẩy doanh nghiệp liên tục tạo ra giá trị và đổi mới giá trị để tồn tại, từ đó giá trị được tạo ra có chất lượng và đa dạng hơn. Tài liệu “Định hình lại doanh nghiệp kỹ thuật số, 2016” cho biết rằng: Các công nghệ đột phá đã và đang phát triển ở quy mô lớn với 02 đặc điểm nổi bật chính là tính siêu kết nối và dữ liệu lớn. Thông qua công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh mới, nguồn doanh thu mới và các nguồn lợi thế cạnh tranh mới đang xuất hiện ngày một đa dạng hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Do vậy, các giá trị của doanh nghiệp luôn phải điều chỉnh và cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng giải quyết bài toán cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
2. Thách thức nổi bật của doanh nghiệp trong xu hướng CĐS là khả năng hoạch định chiến lược và nguồn lực thực hiện
Nghiên cứu của Cameron (2019) về 06 chỉ số ứng dụng công nghệ số cho các DNNVV ngành công nghiệp và nông nghiệp tại Việt Nam (Hình 1.3) cho biết 02/6 chỉ số hiện đang ở mức phát triển thấp của Việt Nam là (i) khả năng hoạch định chiến lược và (ii) các nguồn lực sẵn sàng CĐS.
Hình 2.1: Mức độ ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam
Bấm để phóng to ảnh
(Nguồn: Cameron và cộng sự, 2019)
Đánh giá này cũng hoàn toàn phù hợp với Tài liệu Industry 4.0 (2018)[2] ghi nhận rằng các công nghệ quan trọng cần thiết cho sự chuyển đổi của Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, máy tính, hệ thống đám mây, an ninh mạng, robot thích ứng … đang gây ra những thay đổi căn bản trong quy trình kinh doanh của các tổ chức, tạo ra một số thách thức cho các doanh nghiệp như:
· Thiếu kiến thức về công nghệ và khả năng đón nhận công nghệ; Nguồn nhân lực và tài chính hạn chế.
· Thiếu thông tin về nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm mới và mô hình kinh doanh theo tầm nhìn công nghiệp 4.0; Không chắc chắn về lợi ích của việc đầu tư công nghệ vào các sản phẩm và quy trình.
· Khó xác định điểm bắt đầu và các mốc quan trọng trong xây dựng kế hoạch cũng như khó xác định và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả khi đầu tư công nghệ.
· Khó xác định các yêu cầu về độ ưu tiên và lịch trình cho các sản phẩm mới, quy trình mới và việc phân bổ các nguồn lực vào các dự án luôn bị hạn chế.
Hình 2.2: Các yếu tố bị tác động bởi CĐS tại Việt Nam
Bấm để phóng to ảnh
(Nguồn: Cameron và cộng sự, 2019)
3. Xây dựng bản đồ CĐS cho doanh nghiệp đi từ hoạch định nguồn lực và chiến lực
Nghiên cứu của Cisco 2020 chỉ ra 09 lợi ích của việc lập bản đồ CĐS hay bản đồ công nghệ số cho doanh nghiệp, gồm:
(1) Thiết lập sự liên kết của các chiến lược thương mại và kỹ thuật;
(2) Cải thiện giao tiếp giữa các nhóm và tổ chức;
(3) Xem xét các chiến lược cạnh tranh tiềm năng và cách thức thực hiện các chiến lược đó;
(4) Lập kế hoạch và quản lý thời gian hiệu quả;
(5) Xác định khoảng cách giữa công nghệ, thị trường và sản phẩm;
(6) Ưu tiên các khoản đầu tư;
(7) Đặt mục tiêu cạnh tranh và hợp lý;
(8) Hướng dẫn và dẫn dắt các nhóm dự án;
(9) Trực quan hóa kết quả đầu ra bao gồm mục tiêu, quy trình, tiến trình.
Tuy nhiên, để lập bản đồ CĐS cho doanh nghiệp mang tính khả thi thì cần phải giải quyết 02 rào cản lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp đó là năng lực hoạch định chiến lược và nguồn lực thực thi. Việc xác định đúng chiến lược, mô hình kinh doanh và nguồn lực bên trong của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp thực thi được bản đồ CĐS ở lộ trình ngắn nhất, hiệu quả nhất và ít tốn nguồn lực nhất. Nói cách khác, việc định vị lại bối cảnh dựa trên nguồn lực hiện có/ nguồn lực tiềm năng và các kỳ vọng mục tiêu của doanh nghiệp sẽ là một trong những việc cấp thiết cần nghĩ đến đầu tiên khi xây dựng lộ trình CĐS cho doanh nghiệp, nhằm đảm bảo một lộ trình chiến lược CĐS khả thi hơn, ít hao tổn nguồn lực hơn, từ đó giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn vào xu thế chung của kỷ nguyên số, đáp ứng khả năng cạnh tranh.
Theo phương pháp tiếp cận là tận dụng nguồn lực có sẵn và dựa trên bối cảnh, một khi đã xác định được các nguồn lực của doanh nghiệp, gắn với kỳ vọng và bối cảnh của doanh nghiệp so với ngành và thị trường thì việc hoạch định các chiến lược, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự thích nghi – tồn tại – phát triển cho doanh nghiệp sẽ được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn, tránh được các câu chuyện doanh nghiệp bỏ nhiều kinh phí cho đầu tư công nghệ nhưng công nghệ đó lại không tương thích với mô hình kinh doanh hiện có, hoặc thậm chí khi công nghệ tương thích với mô hình kinh doanh hiện hữu thì mô hình kinh doanh này lại không còn tương thích với bối cảnh mới – đòi hỏi một mô hình kinh doanh công nghệ số hiện đại và linh hoạt hơn.
Hình 3.1: Cơ sở xác định lộ trình CĐS cho doanh nghiệp
Bấm để phóng to ảnh
(Nguồn: Tác giả, 2021)
Đồng thời, việc rà soát lại nội lực dựa trên bối cảnh và kỳ vọng còn giúp doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực có sẵn để thực hiện chiến lược CĐS, tránh cho doanh nghiệp đầu tư thêm nhân sự không cần thiết trong khi lại lãng phí các nhân sự hiện hữu. Theo góc nhìn của tác giả, việc đào tạo để chuyển đổi năng lực cho đội ngũ có khuynh hướng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư hơn và phát triển bền vững hơn so với việc tuyển mới nhân sự để đáp ứng yêu cầu về thích ứng công nghệ.
Hình 3.2– Mục tiêu của Mô hình kinh doanh
Bấm để phóng to ảnh
“Các mô hình kinh doanh là những đề xuất giá trị giải thích cách thức công ty đáp ứng nhu cầu của khách hàng” (Kim và Mauborgne 2005). |
Ths. Nguyễn Uyên – Ban cố vấn Học viện Đào tạo DNNVV Đông Nam Á tại Việt Nam.
https://business.gov.vn/cms/tin-tuc-su-kien/chi-tiet/766/chuyen-doi-so-cau-chuyen-cua-chuyen-doi-chien-luoc-va-chuyen-doi-nang-luc?