Dù chưa thật sự bắt đầu việc nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, nhưng Việt Nam đang có nhiều điều kiện hội tụ để sẵn sàng bứt phá, sớm đạt thành công.
Từ câu chuyện Singapore không ngừng tìm kiếm các giải pháp CBDC
Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) trong các năm gần đây được các quốc gia nhắc tới rất nhiều. Nó không chỉ mang ý nghĩa là đồng tiền điện tử, nó còn có thể là một đồng tiền pháp định, có thể được tiêu dùng và công nhận. Chính vì những ý nghĩa này, ứng dụng CBDC vào ngành bán lẻ trở thành cơ hội để tạo ra một hệ thống thanh toán có hiệu quả cao, minh bạch và hỗ trợ được ngân hàng trung ương trong việc ổn định tiền tệ.
Nhưng để bắt đầu với loại tiền này, cần phải giải quyết một bài toán khép kín từ công cụ CBDC, phân phối CBDC đến cơ sở hạ tầng cho CBDC.
Mới đây Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã khởi xướng chương trình ý tưởng các giải pháp bán lẻ với CBDC. Một nhóm các nhà nghiên cứu của Việt Nam gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực blockchain, tài chính, marketing… đã tham gia “hiến kế” cho chương trình.
Global CBDC Challenge do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức là cuộc thi tìm kiếm ý tưởng các giải pháp bán lẻ với CBDC
Các chuyên gia Việt Nam đã làm việc liên tục trong một tháng để trả lời hết 12 vấn đề mà MAS nêu ra. Tuy nhiên điều gây ấn tượng nhất cho các nhà khoa học là việc Singapore dù không là nước đầu tiên nghiên cứu về CBDC, nhưng họ lại là nước nghiên cứu về vấn đề này rất bài bản và đến nay Singapore đã PwC công nhận đứng thứ 3 thế giới về triển khai CBDC trong bán buôn.
Từ những thành công này, nhìn về Việt Nam, dù mới chỉ có những bước khởi động đầu tiên nhưng vẫn có những cơ sở để tin tưởng vào thành công khi ứng dụng CBDC.
…Đến vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings về đầu tư, thành viên khởi xướng quy tụ nhóm các chuyên gia hiến kế cho MAS cho rằng: “Thủ tướng Chính phủ có ra quyết định số 942 ngày 15.6.2021 về phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tới năm 2030 có ghi tới trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2021-2023 có nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối blockchain. Có thể hiểu đây là một sự khởi đầu cho việc nghiên cứu CBDC tại Việt nam”.
Ông Trung Phan – Chủ tịch Công ty Cổ phần Decom Holdings về đầu tư, thành viên khởi xướng quy tụ nhóm các chuyên gia hiến kế cho MAS
Đối với Ngân hàng nhà nước (NHNN), việc ứng dụng CBDC sẽ loại bỏ các vấn đề liên quan đến tiền mặt như in tiền, phân phối, chống tiền giả…
Còn từ góc độ người tiêu dùng, theo khảo sát của Statista, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử. Do đó, việc phát hành tiền kỹ thuật số của NHNN cũng có thể giúp thúc đẩy thêm quá trình này. Người dùng có thể dùng tiền CBDC để giao dịch qua máy POS, chuyển khoản mà không phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ như mobile money, internet banking.
Tuy nhiên bên cạnh tiềm năng lớn, vẫn còn những khó khăn và bất cập của loại tiền điện tử này. Đó là vấn đề bảo mật, vấn đề pháp lý.
TS.Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), thành viên của nhóm chuyên gia “Hiến kế” cho biết: “Đối với giải pháp bảo mật trong CBDC, các vấn đề bảo mật là một mối quan hệ gồm: phần cứng, phần mềm và ở nhiều tầng khác nhau. Những vấn đề này cần thiết kế tỉ mỉ để xử lý các vấn đề này chính xác tại lớp nào”.
TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), tác giả bộ gõ Vietkey là thành viên nhóm nghiên cứu
Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải có thời điểm bắt đầu. Ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết: “Có lẽ tới cuối sang năm số ngân hàng quốc gia không nghiên cứu về CBDC sẽ nằm dưới 8% số quốc gia trên thế giới. CBDC là một xu hướng phát triển tiền tệ của mọi quốc gia”.
Ông Huy Nguyễn, nguyên Giám đốc công nghệ cao cấp tại Google, sáng lập và là GĐ Công nghệ tại KardiaChain – công ty nền tảng blocchain liên chuỗi đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á cho rằng: “Vì đây là công nghệ mới, khoảng cách công nghệ không quá xa và chúng ta có thể dễ dàng rút ngắn. Chúng ta có nguồn lực, kinh nghiệm của các chuyên gia và những sản phẩm thành công. Tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Nguồn: Thanh Niên