“Trong thời đại công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy các mục tiêu, chia sẻ kiến thức của nhân loại dễ dàng hơn bao giờ hết. Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện góp phần quan trọng phát triển văn hóa đọc và kỹ năng đọc; xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập và học tập suốt đời; hướng đến nền giáo dục thông minh và thế hệ công dân số”, Th.S Hà Duy Bình bày tỏ.
Hình 1: Tại thư viện điện tử Vebrary, thủ thư và bạn đọc dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tra cứu
Thường xuyên đi cùng nhóm bạn đến Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, Trần Minh Nam (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, anh rất quan tâm đến thư viện số. “Do có ý định học lên cao sau khi tốt nghiệp nên tôi có nhu cầu tìm hiểu nhiều tài liệu học thuật. Thư viện số rất cần thiết cho việc học hành, nó giúp chúng tôi bớt nhiều thời gian đi lại và là một xu thế cần được cập nhật ứng dụng hiện đại đáp ứng nhu cầu bạn đọc”, Minh Nam chia sẻ.
Để không “lỡ chuyến tàu”
Ngày 21-2-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện quốc gia, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Ban Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, nếu thực hiện được chương trình chuyển đổi số ngành thư viện mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, chúng ta tạo dựng được một nền tảng, từ đó có thể đặt chân lên chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Ngành thư viện đóng một vai trò rất quan trọng, bởi tri thức nằm ở đó. Việc tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, có đủ tri thức là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể vươn lên phía trước”, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết.
Th.S Hà Duy Bình, Trưởng ban Giáo dục, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số TPHCM, dẫn ra một thực tế, thư viện trường phổ thông hiện nay chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa phát huy được vai trò khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức của thầy cô giáo và học sinh. Theo ông Bình, việc đào tạo ở trường phổ thông chỉ thực sự có chất lượng khi hoạt động học tập của học sinh được thực hiện trong cả 4 môi trường: lớp học, thư viện, cơ sở thực nghiệm và môi trường thực tế. Trong đó, thư viện có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính độc lập, sáng tạo của học sinh.
Hình 2: Học sinh đọc sách tại Thư viện Trường THPT Bình Phú, quận 6, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Trong thời đại công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy các mục tiêu, chia sẻ kiến thức của nhân loại dễ dàng hơn bao giờ hết. Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện góp phần quan trọng phát triển văn hóa đọc và kỹ năng đọc; xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập và học tập suốt đời; hướng đến nền giáo dục thông minh và thế hệ công dân số”, Th.S Hà Duy Bình bày tỏ.
Kỳ vọng từ thư viện số
Theo Th.S Hà Duy Bình, ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao vai trò và hiệu quả của thư viện trường học đang là vấn đề được toàn ngành giáo dục quan tâm, đưa vào những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.
Không riêng Th.S Hà Duy Bình, câu chuyện thư viện số nhận được nhiều kỳ vọng của những người trong ngành bởi những ưu việt không thể phủ nhận. Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Việt, cho rằng, việc ứng dụng công nghệ có những lợi ích cụ thể như tìm kiếm loại sách ưa thích hoặc sở hữu nó để đọc chỉ mất… vài giây. Có thể tìm lại ngay trang sách và dòng chữ đang đọc dở dang mà không phải đánh dấu như sách giấy cũng như chép đoạn văn trong sách ra nếu chủ sở hữu cho phép. Đặc biệt, sách số có cả âm thanh, hình ảnh, phim… cho phép người dùng phóng to, thu nhỏ chữ, hình trong sách.
Ngoài ra, sách điện tử giúp giảm giá thành sách rất nhiều nhờ giảm được tiền giấy mực, chuyên chở, tiền lưu kho, tiết kiệm về diện tích. “Một máy tính cá nhân hoặc thiết bị di động có thể chứa hàng ngàn sách điện tử. Do đó, góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Đặc biệt là giúp các đơn vị xuất bản mở rộng thị trường ra cả nước và toàn cầu, sách được phát hành ngay đến bạn đọc”, ông Hà Thân nói thêm.
Hiện tại, đã có nhiều phần mềm hỗ trợ cho việc quản lý tài nguyên số cho thư viện như DSPACE, Greenstone, Omeka, Xerter. Đặc biệt là thư viện điện tử Vebrary, sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification), là công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến để hiện thực hóa các thao tác mượn/trả sách qua hình thức quét thẻ sinh viên hoặc quét RFID trên sách. Hiện thư viện Vebrary đã sẵn sàng để được tích hợp với các thiết bị phần cứng thông minh, mang lại nhiều trải nghiệm hiện đại với người dùng.
Ngoài các nền tảng Windows, Linux, thư viện điện tử Vebrary cũng đã có mặt trên các ứng dụng hệ điều hành Android và iOS, cho phép tra cứu tài liệu và đọc sách điện tử trong thư viện, tìm kiếm tài liệu thông qua chức năng quét mã QR, đăng ký mượn trước sách để chủ động mượn được tài liệu mong muốn, kiểm tra thông tin tài khoản tại thư viện, bao gồm: thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch, tra cứu thông tin mượn, trả sách.
“Hiện nay tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện đang tích cực tổ chức các hoạt động chuyển đổi số. Song để đạt được mục tiêu, hiệu quả như kỳ vọng cần hướng đi đúng đắn, sự đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thành đối với các hoạt động này”, bà Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, cho hay.
Mới đây, tại TPHCM, Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số ngành thư viện”, quy tụ những người đang làm trong ngành thư viện cũng như các công ty công nghệ khắp cả nước. Hoạt động này cho thấy ngành thư viện không đứng ngoài cuộc trước làn sóng chuyển đổi số.
https://www.sggp.org.vn/nganh-thu-vien-don-bat-chuyen-doi-so-824626.html