Chiều 30/03/2022, Công ty cổ phần Vietnam Blockchain, Quỹ Châu Á – Việt Nam (TAF) và Công ty Cổ phần Dịch vụ An toàn thông tin TP.HCM (HISSC) và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Công nghệ Blockchain và giải pháp định danh số” tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Hiện nay công nghệ Blockchain đang được đánh giá là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, sở hữu những đặc tính chuyên biệt có tầm quan trọng trong việc chuyển đổi số cho đa ngành đa lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xác thực thông tin.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Filip Graovac – Phó Trưởng đại diện Quỹ Châu Á – Việt Nam (TAF) cho rằng: công nghệ “Định danh được xác minh bằng kỹ thuật số” (Định danh số) là một trong những công nghệ quan trọng nhất xuất hiện kể từ khi Internet ra đời. Nó được thúc đẩy bởi những nhu cầu mới phát sinh từ những thay đổi kinh tế và xã hội trên nhiều mặt. Con người ngày càng di động. Các nơi làm việc đang trở nên phụ thuộc vào những người lao động “tự do” được thuê theo hợp đồng ngắn hạn để các công ty có thể nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi.
Hệ thống quản lý danh tính dựa trên chuỗi khối, hoặc một mã định danh số phi tập trung (a decentralized digital identifier) có thể được sử dụng để loại bỏ các vấn đề định danh hiện tại như: Không thể truy cập; Mất an toàn dữ liệu; Định danh giả”.
Hình 1: Ông Filip Graovac – Phó Trưởng đại diện Quỹ Châu Á – Việt Nam (TAF)
Ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Vietnam Blockchain đã chia sẻ về công nghệ Blockchain, tầm quan trọng và tiềm năng của công nghệ Blockchain trong định danh số. Đặc biệt là những giải pháp định danh số Blockchain mà VBC đã phối hợp với Quỹ châu Á – Việt Nam, Jupviec.vn triển khai từ 2019.
Nhận định về ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh số, ông Đỗ Văn Long cho biết, trong khoảng vài năm trở lại đây, không chỉ các doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ và các cơ quan ban ngành Việt Nam cũng chú trọng quan tâm và đề ra định hướng đến việc sử dụng các ứng dụng, giải pháp của công nghệ mới 4.0 nhằm hỗ trợ định danh số và cải tiến, tự động hóa quy trình làm việc của tổ chức, DN.
Hình 2: Ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Vietnam Blockchain
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Chuyên gia chương trình (Program Specialist), Quỹ châu Á – Việt Nam (The Asia Foundation – Vietnam) đã trình bày về dự án “Giải pháp Blockchain giải quyết các thách thức về quyền của người lao động” và một số lợi ích chính mà dự án hướng tới trong việc áp dụng giải pháp Blockchain để giải quyết các vấn đề của người lao động, cụ thể là giải pháp định danh số cho lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội và TPHCM của công ty JupViec.vn
Dự án xây dựng và thí điểm nền tảng Blockchain và giải pháp công nghệ hợp đồng thông minh. Dự án đã tập huấn cho 130 cán bộ, giám sát viên của JupViec và 1.400 nhân viên JupViec về quyền của lao động giúp việc (LĐGV). Đến cuối tháng 3/2022, đã có 1.641.474 giao dịch thực hiện trên ứng dụng.
Hình 3: Bà Nguyễn Ngọc Anh, Chuyên gia chương trình (Program Specialist), Quỹ châu Á – Việt Nam
Ông Lê Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ An toàn thông tin TP.HCM (HISSC) giới thiệu về Tầm quan trọng của “Bảo mật hạ tầng để đảm bảo An toàn thông tin cho “định danh số Blockchain”. Theo ông Tuấn thì nhờ thuật toán phức tạp, khả năng bảo mật cao, có thể vô hiệu hóa sự can thiệp chỉnh sửa tới dữ liệu, tạo ra tính minh bạch cho người dùng, Blockchain được dự đoán sẽ tiếp tục tạo ra nhiều ứng dụng thiết thực trong đó có ứng dụng trong bảo mật hệ thống Internet of Things.
Hình 4: Ông Lê Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ An toàn thông tin TP.HCM (HISSC)
Hình 5: Toàn cảnh hội thảo