(CATP) Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Đồng thời khiến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Do đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.
Đối diện nhiều thách thức
Theo đó, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới. Cả nước hiện có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa.
Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Nhiều DN đã tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới.
Trong đó, không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị doanh nghiệp bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Một số DN với sự hỗ trợ của công nghệ, doanh nghiệp không những có thể thực hiện bán hàng theo các kênh vật lý truyền thống một cách hiệu quả hơn mà còn có thể triển khai đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến bao gồm website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh tiếp thị liên kết, mạng lưới cộng tác viên.
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết của thị trường (ảnh Internet)
DN cũng có thể mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng mà không chịu sự giới hạn về địa lý, giúp tương tác với các khách hàng ở xa và vươn tới thị trường rộng lớn hơn. Với các thuật toán xử lý dữ liệu, các công nghệ học máy, học sâu, trí tuệ nhân tạo, các nền tảng quảng cáo giúp phân tích và đánh giá được nhu cầu của khách hàng, qua đó kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá, bán hàng để gợi ý cho các khách hàng. Không chỉ tối ưu doanh thu, chi phí, mở rộng thị trường, tập khách hàng, chuyển đổi số còn là động lực thay đổi, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, mô hình vận hành của doanh nghiệp.
Nhờ ứng dụng công nghệ số
Những ứng dụng công nghệ số có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình, giảm thiểu nhân công tiến tới tối ưu chi phí vận hành. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (ML), các hệ thống nhúng, các bộ vi xử lý trên các máy móc, thiết bị còn có thể tăng cường tự động hóa, thay thế các công việc của con người, thậm chí cả việc ra quyết định với các cách thức nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều lần, giúp giảm thiểu rủi ro, sai sót do yếu tố con người cũng như khả năng làm việc liên tục với cường độ cao.
Với sự phát triển của công nghệ di động đã giúp làm tăng khả năng làm việc của con người không còn bị ràng buộc bởi vấn đề không gian, giúp tiết kiệm thời gian khi nhân viên có thể làm việc từ xa, mang lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp và cả người lao động. Việc trao đổi thông tin, làm việc, cộng tác được thực hiện trên các môi trường số cũng giúp công việc được thực hiện một cách nhanh chóng hơn.
Được biết, trong năm 2021, trong quá trình triển khai các hoạt động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát 1.300 doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau, từ nhiều lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế như: cơ khí, chế biến, chế tạo, sản xuất, nông nghiệp, thực phẩm, logistics, du lịch khách sạn, nhà hàng, dệt may, thời trang, tiếp thị, thương mại, bán lẻ, xây dựng, bất động sản…
Các doanh nghiệp đã cung cấp thông tin thực tiễn về những rào cản, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải khi chuyển đổi số, cũng như nhu cầu về các giải pháp công nghệ theo từng giai đoạn phát triển. Trong 1.300 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 20,2% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, 43,8% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, 8,0% doanh nghiệp có quy mô vừa và 28,0% doanh nghiệp có quy mô lớn.
Kết quả cho thấy có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số cho chuyển đổi số. Có tới 39,5% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhằm mục đích sử dụng các kiến thức chuyển đổi số để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có chưa đến 2% tổng số doanh nghiệp có mục đích sử dụng các kiến thức chuyển đổi số để đào tạo nội bộ hoặc tư vấn cho các bên thứ ba có nhu cầu. Các doanh nghiệp có nhu cầu này chủ yếu là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số vẫn có những khó khăn, rào cản. Doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải chịu, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn mà hệ quả của chi phí đầu tư cao có thể dẫn đến việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả và toàn diện. Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh trong khi yếu tố này được coi là lâu dài, khó khăn khi thực hiện thay đổi, phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu doanh nghiệp.
Nhiều DN thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp, khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn. Nhiều DN không nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với doanh nghiệp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi bước đầu áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình…
Nguồn Báo Công an TPHCM
https://congan.com.vn/tin-chinh/doanh-nghiep-ap-dung-chuyen-doi-so-vuot-qua-dai-dich_126988.html