Vũ Tuấn Anh (*)
(KTSG Online) – Trước khi có đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này, các thành phố lớn tại khu vực kinh tế phía Nam vẫn là biểu tượng của tăng trưởng với hàng ngàn nhà máy cùng hàng triệu công nhân ngày đêm làm việc. Bên cạnh đó còn có nguồn nhân lực chuyên môn cao gồm đội ngũ trí thức từ các trường, viện, công ty, tập đoàn… Và, bất kể trình độ nào đi nữa, tất cả họ đều góp sức thúc đẩy khu vực kinh tế phía Nam ngày càng đi lên.
Sự tập trung nguồn lực về các thành phố lớn càng nhiều hơn từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, cùng với đó tốc độ di dân cũng ngày càng tăng. Họ ra đi và để lại đằng sau những miền quê với nền nông nghiệp lạc hậu, nền kinh tế dịch vụ kém phát triển cũng như các cơ sở công nghiệp ở cấp độ không cao về kỹ thuật và công nghệ.
Hiện tượng di dân từ các tỉnh lên các thành phố lớn đã làm doãng rộng khoảng cách phát triển giữa các địa phương trên cả nước. Một địa phương nào đó khi nguồn nhân lực chất lượng cao rời đi sẽ không có khả năng thu hút đầu tư, dẫn tới kinh tế kém phát triển. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng của địa phương ấy sẽ thấp, tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm: nguồn lao động lại tiếp tục rời bỏ địa phương để đi tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn tại các thành phố lớn.
Vòng xoáy này theo thời gian sẽ càng ngắn lại và cường độ mạnh hơn, khiến cho tốc độ di dân tự do ngày càng lớn.
Hiện tượng di dân tự do nói trên, theo người viết, còn trở nên trầm trọng khi các tỉnh đi theo xu hướng mở ra hàng loạt các khu công nghiệp với khả năng cạnh tranh duy nhất là giá cho thuê đất rẻ. Các ngành khác tại các tỉnh này cũng không có những điểm nhấn đột phá nhằm tạo giá trị cao, chẳng hạn lĩnh vực thương mại/dịch vụ có khuynh hướng rập khuôn theo những gì các thành phố lớn đã làm. Với các điểm hạn chế như vậy, các địa phương đã không đủ sức thu hút ngược người lao động từ các trung tâm kinh tế lớn quay về góp sức cho địa phương phát triển.
Và giờ đây, trong hoàn cảnh TPHCM “lâm bệnh” vì dịch Covid-19, miền đất hứa ngày nào đã trở thành vùng đất nguy khó đối với người lao động nhập cư. Đối diện với những khó khăn đời thường như tiền thuê nhà, chi phí ăn ở cùng với rủi ro rình rập của dịch bệnh cũng như khoảng thời gian không hạn định khi nào hết dịch, họ đã quay ngược về quê. Có thể đó là cách không an toàn – trước hết là cho chính người dân mạo hiểm tìm mọi cách để trở về.
Nhưng có thể trách họ chăng nếu như chúng ta là họ và phải đối diện dịch bệnh tại nơi không phải quê hương mình? Các vấn đề cấp thời do hoàn cảnh tình thế này rồi cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, khi nguyên nhân gây ra chưa được mổ xẻ, xử lý thấu đáo trong mô hình tăng trưởng kinh tế quốc gia thì các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai sẽ còn có khả năng xảy ra với quy mô và hậu quả lớn hơn nhiều so với ngày hôm nay.
Theo người viết, mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đã bộc lộ những bất cập khi làn sóng di cư từ các địa phương tạo ra những thách thức cơ sở hạ tầng như nhà ở, dịch vụ cũng như điều kiện sống cho lao động nhập cư. Khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Dịch bệnh đã bùng phát từ những nhà trọ và khu cư trú dưới chuẩn tại các quận vùng ven. Mật độ dân cư và lưu lượng di chuyển quá lớn trong các đại đô thị như Hà Nội, TPHCM là một bài toán khó giải trong đại dịch.
Bên cạnh đó, về phía các địa phương, sự dịch chuyển lao động đã tạo ra một cơ cấu kinh tế thiếu đa dạng, không thể tạo thu nhập đủ lớn, bền vững để giữ dân an cư trên các vùng đất vốn đầy lợi thế về nông nghiệp, về ngư nghiệp, về du lịch…
Xu hướng đại dịch sẽ còn bất định khi chúng ta không thể biết chắc lúc nào sẽ có thêm những biến chủng của SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn. Trong khi nguồn lực kinh tế lại đang dựa vào mô hình phát triển lệch giữa đô thị và các vùng nông thôn.
UNDP đã đưa ra 17 chỉ số phát triển bền vững, đó là những mục tiêu quan trọng bất kỳ quốc gia nào cũng cần hướng tới để đảm bảo tăng trưởng bền vững, quan trọng nhất là lợi ích của tăng trưởng tạo ra tác động tới toàn bộ các tầng lớp trong xã hội. Mô hình tăng trưởng tương lai của Việt Nam cần hướng tới cân bằng giữa đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo nền kinh tế có khả năng chống chịu với những bất định, bất trắc và bất ổn trong tương lai, chẳng hạn như đối với đại dịch Covid 19 hiện giờ.
Đầu tiên, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh đầu tư công để kiến tạo các hệ thống logistics hoàn hảo kết nối các tỉnh và vùng kinh tế hiệu quả. Hệ thống logistics sẽ giúp giảm thời gian cũng như chi phí giao dịch, gia tăng khả năng phân tán của các khu vực kinh tế.
Thứ hai, Chính phủ cần thực hiện nhanh, mạnh và kiên quyết với nền kinh tế số nhằm xóa đi các khoảng cách địa lý giữa nông thôn và thành thị. Kinh tế số sẽ thúc đẩy hàng hóa giao thương nhiều hơn trên hệ thống logistics nói trên dẫn tới kinh tế các địa phương phát triển mạnh và Nhà nước thu lợi thông qua thời gian hoàn vốn nhanh từ giao thông trên hệ thống.
Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo phát triển nghề nghiệp, đặc biệt các nghề nghiệp liên quan công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, gắn chặt với 17 mục tiêu phát triển bền vững của UNDP, ví dụ như năng lượng bền vững, nông nghiệp thông minh v.v.
Thứ tư, Chính phủ kiên quyết kiến tạo các trung tâm kinh tế dựa trên các thế mạnh của từng khu vực, địa phương, nhằm phát huy khả năng cộng hưởng giữa các khu vực, địa phương trọng yếu. Ví dụ, miền Tây Nam bộ tập trung cho nông nghiệp thông minh; khu vực miền Trung là du lịch sinh thái v.v.
Thứ năm, các chương trình thúc đẩy thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ cần được hình thành dọc trên cả nước, chuyên biệt vào từng ngành và lĩnh vực. Ví dụ, Huế nên tập trung vào công nghệ sinh học và y tế thông minh, tận dụng lịch sử của ngành y tại Huế; Đà Nẵng tập trung vào công nghệ tự động, viễn thông; Nha Trang tập trung công nghệ thủy sản hiện đại v.v.
Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai cần kích hoạt nguồn lực đa dạng đặc sắc và chuyên biệt của từng tỉnh và địa phương. Quốc gia chỉ phát triển hài hòa, phồn thịnh chỉ khi cuộc di dân tự phát đầy bất trắc chấm dứt, khi những vấn đề của nông thôn được giải quyết tận gốc từ những giải pháp nói trên. Không những phải giữ được người dân ở lại quê hương mà còn phải kéo được cả những người thành phố rời khỏi các đại độ thị. Dân cư phải được phân bố lại thông qua mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới kiến tạo giá trị gia tăng bền vững, giúp an sinh lâu dài trên từng vùng của quê hương Việt Nam.
————-
(*) Chuyên gia chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.